Đại biểu Lê Quốc Trung (tỉnh Bình Thuận) cho rằng, phần lớn các quy định trong dự thảo Luật đều tạo điều kiện hơn cho cơ quan quản lý Nhà nước mà chưa có những chính sách cụ thể về quyền công dân trong việc đăng ký nơi cư trú.
Theo ông Trung, dự thảo vẫn dựa vào những quy định cũ, đang được thực hiện mà chưa có những quy định mới phù hợp với tình hình hiện nay.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo dự Luật cần tiếp tục nghiên cứu đề có những quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân trong việc đăng ký hộ khẩu. Một số đại biểu còn băn khoăn trước việc nhiều cơ quan chức năng của Nhà nước đã lạm dụng sổ hộ khẩu để làm giảm bớt một số quyền lợi hợp pháp của công dân.
Về vấn đề có nên bỏ sổ hộ khẩu hay gộp sổ hộ khẩu với giấy chứng mình nhân dân thành thẻ công dân, theo nhiều đại biểu, không nên bỏ sổ hộ khẩu vì quản lý cư trú theo hộ khẩu như hiện nay là rất chặt chẽ, đặc biệt trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là những thành phố lớn.
Có đại biểu cho rằng, cả sổ hộ khẩu và chứng minh thư đều rất cần thiết với mỗi công dân, nhưng cả hai đều có nhiều thông tin về cá nhân giống nhau nên chỉ cần dùng một loại giấy lấy tên là thẻ công dân.
"Bỏ sổ hộ khẩu - Quyết tâm thì làm được ngay''
''Nên nhập sổ hộ khẩu vào chứng minh thư thành thẻ công dân'', ''quyết tâm thì làm được ngay''. Bà Lê Thị Nga, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nói.
- Xin bà cho biết lý do nhập hai loại giấy tờ đó?
- Thứ nhất, rất tiện cho quản lý. Giảm bớt các khâu về con người, trình tự thủ tục. Bây giờ làm hộ khẩu và chứng minh thư, cũng là cơ quan công an nhưng hai trình tự khác nhau, hai cơ quan làm khác nhau... sẽ tồn tại bộ máy rất lớn.
Thứ hai, thuận tiện cho công dân. 6 thông tin đưa vào sổ hộ khẩu và chứng minh thư trùng nhau. Đó là họ tên, ngày tháng năm sinh, nguyên quán, nơi thường trú, dân tộc, tôn giáo. Về cơ bản những thông tin trên giấy chứng minh nhân dân đủ cho một công dân đi xuất trình các nơi.
Thử kiểm tra tất cả chứng minh nhân dân hiện nay, nơi thường trú rất nhiều người không đúng vì thực tế đã thay đổi. Nhưng Ban soạn thảo Luật cư trú (Bộ Công an) nói rằng chứng minh thư có tính ổn định lâu dài thì rất mâu thuẫn.
Vẫn cần duy trì sổ hộ khẩu
Ông Trần Thế Vượng, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội :
Theo tôi, có hai vấn đề xung quanh sổ hộ khẩu. Thứ nhất, trong thực tế có nhiều cái không liên quan đến sổ hộ khẩu; nhưng người ta cứ dựa vào sổ hộ khẩu như một điều kiện. Ví dụ về giá điện, tại sao ngành điện lực lại quy định mỗi hộ gia đình được dùng 100 số đầu giá thấp dù hộ đó có 10 người hay chỉ có một người, vượt quá 100 số đầu tính giá lũy tiến. Rồi một loạt những việc khác nữa trong thực tế. Điều đó gây bức xúc.
Còn sổ hộ khẩu thuần tuý chỉ để quản lý con người, đừng có những cái khác không liên quan đến việc đó thì chắc nó không đến mức gây bức xúc cho nhân dân.
Thứ hai, những người làm nghiệp vụ liên quan đến hộ khẩu như nhập hộ khẩu, cắt hộ khẩu, đăng ký hộ khẩu cho người dân phải khẳng định là đại đa số là tốt; nhưng tình trạng gây khó dễ còn xảy ra, còn bắt người dân chờ đợi thậm chí còn nhiều chuyện phức khác. Người dân bức xúc là bức xúc ở chỗ đó. Nếu làm một cách đơn giản, gọn nhẹ, không gây phiền hà, tôi nghĩ nó không gây bức xúc cho người dân.
Trong điều kiện hiện nay, vẫn cần duy trì quyển sổ hộ khẩu, nhưng Chính phủ phải rà soát những gì không liên quan đến hộ khẩu mà gây khó dễ cho người dân thì nên cắt bỏ.
Theo Bộ Công an, vẫn còn 380 văn bản có những quy định liên quan đến hộ khẩu. Những người được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý đăng ký hộ khẩu phải tinh thông về nghiệp vụ, tránh gây phiền hà cho người dân.
Tổng hợp từ TTXVN và VietnamNet