Bỏ phiếu tín nhiệm đừng để 'hòa cả làng' hay “hạ bệ” nhau

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là để tìm ra nhân sự phù hợp nhất, đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ nhất định, chứ không phải để kỷ luật ai. Mặt khác, cũng cần tránh làm chiếu lệ theo kiểu 'hòa cả làng'...

Bỏ phiếu tín nhiệm đừng để 'hòa cả làng' hay “hạ bệ” nhau

> Quốc hội họp kín về nhân sự, phiếu tín nhiệm

> Nếu tất cả đều được tín nhiệm thì... 

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là để tìm ra nhân sự phù hợp nhất, đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ nhất định, chứ không phải để kỷ luật ai. Mặt khác, cũng cần tránh làm chiếu lệ theo kiểu 'hòa cả làng'...

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Ngọc Quang.
 

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm tới quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu tiên được đưa vào thực tế. Vậy làm thế nào để đánh giá một chức danh, lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm thực sự có hiệu quả, PV đã ghi nhận những chia sẻ của GS. Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Thời gian đánh giá “tín nhiệm” quá dài

PV: Thưa GS Nguyễn Minh Thuyết, ai cũng biết việc Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với 49 chức danh do Quốc hội bầu là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc đánh giá tín nhiệm lại chia làm ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. GS đánh giá thế nào về thang tín nhiệm này?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Theo quy định tại Điều 13 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội thì Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi có đề nghị của Uỷ ban TVQH hoặc có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm (20%) tổng số đại biểu Quốc hội hay của một cơ quan Quốc hội (Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội).

Tuy vậy, trên thực tế, từ khi Luật ra đời đến nay, việc bỏ phiếu tín nhiệm chưa bao giờ được thực hiện. Trong số các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, nhiều vị trí đã đảm nhiệm tốt công việc, nhưng cũng còn nhiều vị trí chưa hoàn thành nhiệm vụ, tuy nhiên Ủy ban TVQH và các cơ quan của Quốc hội chưa bao giờ đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm một ai.

Luật cũng không quy định cách lấy ý kiến của ĐB Quốc hội thế nào. Có tới 92% ĐB Quốc hội là Đảng viên, mà về nguyên tắc thì đảng viên không thể ký kiến nghị tập thể để bỏ phiếu tín nhiệm, bởi vì làm như vậy là vi phạm 19 điều đảng viên không được làm.

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm lần này là để khắc phục tình trạng trên, thực hiện quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội.

Nhân dân chờ đợi việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13 sẽ đánh giá công bằng, khách quan 49 chức danh do Quốc hội bầu.
 

Theo Nghị quyết, các chức danh sẽ được đánh giá tín nhiệm theo ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. So với cách xếp loại lưỡng phân “tín nhiệm - không tín nhiệm” thì xếp hạng theo ba mức có thể sẽ tạo ra một khoảng dễ xuê xoa, vì dù không “tín nhiệm cao” người ta cũng sẽ bỏ phiếu “tín nhiệm”, chứ ít khi đưa nhau xuống tận hạng cuối cùng (tín nhiệm thấp).

PV: Việc bỏ phiếu tín nhiệm với một chức danh do Quốc hội bầu phải cần tới hai năm tín nhiệm thấp (thực tế là 3 năm, vì không tính năm đầu nhậm chức), GS có nghĩ rằng thời gian đánh giá tín nhiệm các chức danh như vậy là quá dài?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Theo quy định, nếu một vị trí cán bộ trong số 49 chức danh này bị 2/3 tổng số ĐB Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 2 năm liền bị quá nửa tổng số ĐB Quốc hội bỏ phiếu “tín nhiệm thấp” thì mới xem xét đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.

Quy định này không phù hợp với Luật HĐGS của Quốc hội, vì theo Luật thì chỉ cần có kiến nghị của 20% tổng số ĐB Quốc hội là đã phải bỏ phiếu tín nhiệm rồi, chứ không cần tới 2/3 tổng số ĐB Quốc hội hoặc chờ tới 2 năm.

Quá trình bỏ phiếu tín nhiệm như vậy là cồng kềnh và chậm. Ở nhiều nước phát triển, chúng ta thấy chỉ cần vài tháng đã có thể thay đổi một vị trí nhân sự quan trọng. Tất nhiên, so sánh thì vô cùng, vì có người sẽ nói là mỗi quốc gia có cách điều hành, hoạt động khác nhau, nhưng chậm chạp thế thì làm sao “đi tắt đón đầu” để đuổi kịp và vượt thiên hạ được?

PV: Theo GS, ĐB Quốc hội nên lưu ý những gì để việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm thực sự có hiệu quả?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Lẽ ra khi ứng cử vào một chức danh quan trọng thì ứng viên cần phải trình bày chương trình hành động với Quốc hội. Tuy nhiên, ở nước ta, tất cả các ứng viên đều không phải cam kết gì, cho nên việc đánh giá sẽ gặp khó khăn.

Nhưng đại biểu Quốc hội vẫn có thể căn cứ vào các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm, các báo cáo kết quả công tác của Chính phủ, bộ ngành, kết quả chất vấn và những điều báo chí, cử tri phản ánh, những điều bản thân ĐB Quốc hội quan sát, tìm hiểu được qua các kênh chính thống hoặc kênh riêng để đánh giá.

Điều cử tri mong muốn ở ĐB là khi đánh giá, phải có được đầy đủ thông tin, nghiên cứu, cân nhắc kỹ, không để bị chi phối bởi tình cảm hoặc dư luận chưa qua kiểm chứng.

“Không nên thảo luận kín”

PV: Giả sử tất cả 49 chức danh này đều được đánh giá “tín nhiệm cao” hoặc “tín nhiệm” thì GS thấy đó là điều đáng mừng hay đáng lo?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Bình thường, nếu tất cả đều được tín nhiệm cao hoặc tín nhiệm thì rất đáng mừng. Nhưng trong tình hình kinh tế - xã hội có nhiều hạn chế, yếu kém, khuyết điểm như hiện nay mà cả 49 chức danh đều đạt tỷ lệ tín nhiệm cao thì đánh giá như vậy có lẽ là không chính xác. Kinh nghiệm rút ra từ kết quả kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 ở các địa phương, bộ ngành cho thấy chuyện “hòa cả làng” dễ xảy ra lắm. Đánh giá không chính xác, không công tâm là điều đáng lo vì nó thêm một lần nữa làm mất lòng tin của dân.

PV: Việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm mới làm lần đầu, có thể chưa được thoải mái lắm, vì xưa nay người ta có tâm lý “đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại”, và thường thì ai cũng sợ bị đánh giá thấp, rồi mất vị trí mình đang có. Nhưng có lẽ, cần phải nhận thức vấn đề khác đi, đó là bỏ phiếu tín nhiệm để tìm ra người phù hợp với chức danh ấy trong thời kỳ nhất định, chứ không phải nhằm “hạ bệ” ai đó….

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi thấy đó là hướng suy nghĩ tích cực. Nhìn ra các quốc gia phát triển, có thể thấy không ít trường hợp từ chức hoặc bị cách chức chỉ sau một thời gian lại trở về chức vụ tương đương, thậm chí còn có thể lên cao hơn nữa. Cho nên, theo tôi, đã đến lúc nước ta cũng phải thay đổi cách làm nhân sự. Mặt khác, dư luận và các đại biểu hãy nghĩ theo hướng tích cực hơn: lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là để tìm ra nhân sự phù hợp nhất, đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ nhất định, chứ không phải để kỷ luật ai. Nếu nghĩ ngược lại thì việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm trở nên nặng nề, khó có thể thực hiện có kết quả.

Cũng theo tinh thần này, tôi cho rằng, việc thảo luận, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cần được công khai, minh bạch ngay từ đầu. ĐB Quốc hội là những người thay mặt dân để bàn việc nước. Quốc hội bàn tức là dân bàn. Vì vậy, không nên “thảo luận kín”, mà hãy để người đân theo dõi xem những đại diện của họ đã bàn và quyết định thế nào. Qua ý kiến ĐB, cử tri cũng có thể góp ý để điều chỉnh cho đúng. Ví dụ, nếu ĐB đánh giá một bộ trưởng nào đó thực thi nhiệm vụ chưa tốt, nhưng cử tri đánh giá ngược lại thì họ cũng có thể thông qua báo chí hoặc trực tiếp gửi kiến nghị để ĐB xem xét lại, đánh giá khách quan hơn.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ sâu sắc Giáo sư!

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết là giảng viên cao cấp thuộc Khoa Ngữ văn Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) từ 1990-2003.

Ông là đại biểu Quốc hội khóa XI, XII; nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Ông từng nói "Làm đại biểu Quốc hội là một công việc dễ va chạm", và là người có nhiều chất vấn thẳng thắn làm "nóng" Quốc hội, đề cập thẳng vào nhiều vấn đề nóng bỏng của đất nước, nổi tiếng với nhiều câu hỏi gai góc và quyết "truy" tới cùng vấn đề.

Ông là người đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của nước ta ở Biển Đông.

Theo Giáo Dục Việt Nam

Theo Đăng lại