> Lê Hùng đã cứu hai nhà hát?
> 'Người lạ' có lạ?
1. Không biết đồng chí Chủ tịch Hội có nắm được gì hơn không; còn tôi với trách nhiệm Phó Chủ tịch thường trực cũng chỉ được nghe trao đi đổi lại.
Thế thì đây là cái gì? Sáp nhập là đưa những cái nhỏ thành cái lớn, như người ta tìm con đường của những dòng suối hợp thành những dòng sông và hợp lưu để ra biển. Ngày hôm nay chúng ta có nhìn thấy sự hợp lưu đó không? Có vẻ như là còn khó.
Vậy thì Bộ VHTT&DL nên nhanh chóng làm rõ hơn mục đích của việc sáp nhập và cả quy trình.
Tôi nghĩ rằng Bộ ngồi lại với ba hội chuyên ngành: Hội Sân khấu để giải quyết vấn đề sân khấu; Hội Nhạc sĩ giải quyết vấn đề đoàn ca nhạc, và Hội Nghệ sĩ múa giải quyết vấn đề về bộ phận diễn viên múa.
Nếu cần thì cả Bộ Nội vụ, Ban Tuyên giáo T.Ư và các ban ngành liên quan ngồi lại, tạo ra quy trình từ trách nhiệm, tình yêu nghề nghiệp để nghe những lời nói từ tâm can nghệ sĩ, cùng nói về tương lai của các thành viên - bởi con người mới làm nên sự nghiệp.
2. Bộ bổ nhiệm anh Lê Hùng đã đến tuổi hưu thì đâu có đủ thời gian để “người giám đốc mới này” kịp nhận trách nhiệm và điều hành công việc. Trong trường hợp đặc biệt (được phép theo Bộ luật Lao động) thì cũng nên nói rõ để Lê Hùng đủ các điều kiện điều hành- chính danh mới định phận mà!
Lê Hùng có thêm chức danh nữa hay không- không quan trọng bằng việc nhiều người cho đến lúc này vẫn chưa biết được là sẽ đi về đâu (như ý kiến của NSND Lan Hương về đoàn kịch hình thể).
Khi có một phiên hiệu mới là Nhà hát Quốc gia thì nhiều người nuối tiếc cho việc mất đi hai phiên hiệu có vinh quang riêng của nó.
Chúng tôi chờ đợi Nhà hát kịch Quốc gia công bố được đường lối nghệ thuật, phong cách nghệ thuật và sự ổn định về nhân sự mới.
Trên báo của Bộ VHTT&DL, “giám đốc mới” Lê Hùng đã có lời tuyên bố: Nhà hát kịch Quốc gia có thể dựng 20 vở một năm. Vậy thì sẽ từ nguồn kịch bản và nguồn ngân sách nào?
3. Những người được đào tạo nghệ thuật ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây thường phấn đấu cho chức danh chỉ đạo nghệ thuật nhiều hơn là chức danh giám đốc.
Mô hình này rất hay, bởi Chỉ đạo nghệ thuật là người hoạch định con đường, phong cách nghệ thuật của từng nhà hát trong đó có việc rất quan trọng là có một đội ngũ đạo diễn của riêng mình, có một lực lượng tác giả luôn luôn theo nhà hát mình, và có lực lượng diễn viên phù hợp với phong cách nghệ thuật của đơn vị.
Có một mô hình giám đốc nhà hát là đạo diễn, hoặc tốt nghiệp lí luận và đồng thời cần có tư duy kinh tế (nhất là trong tình hình hiện nay). Thật may nếu như người chỉ đạo nghệ thuật đồng thời là giám đốc nhà hát.
Nếu không thì giám đốc là người đốc thúc về công việc hành chính, tổ chức để thực hiện phương hướng của Chỉ đạo nghệ thuật. Từ đó các nhà hát sẽ xuất hiện bản sắc riêng biệt-mà điều này là tối cần thiết.
Một nhà hát cần phải trả lời được hai câu hỏi: Định hướng nghệ thuật của nhà hát là gì? Phong cách nghệ thuật của nhà hát là gì?- Để nhà hát nọ không lẫn vào nhà hát kia.
Nhà hát Tuổi trẻ là mô hình mà cố Giám đốc Hà Nhân và nguyên Giám đốc- NSND.TS. Phạm Thị Thành mang về từ Nga, với mục đích dành riêng cho khán giả trẻ.
Mô hình và phương hướng này lâu nay dường như không được rõ rệt trong hoạt động của nhà hát, cho dù vẫn có những chương trình cho thiếu nhi, vì nhà hát cũng phải thực hiện những nhiệm vụ về doanh thu, các chỉ tiêu như các đơn vị nghệ thuật khác mà không được đầu tư riêng cho đối tượng thanh thiếu nhi.
Phải bươn chải để hoàn thành các chỉ tiêu và tìm kiếm thu nhập nên có lúc giữa tính mục đích và biện pháp không gặp nhau. Đây cũng là băn khoăn của nhiều thành viên Nhà hát trong trách nhiệm với khán giả trẻ.
Sáp nhập gợi lại chuyện, cách đây 15 năm, một số địa phương chủ trương thành lập nhà hát tổng hợp, sau một vài năm phải giải tán như ở Thái Nguyên, Quảng Ninh… Vậy Nhà hát kịch Quốc gia phải xây dựng được một mô hình cho phù hợp mà không lặp lại thực tế trên.
Những ngày gần đây nhiều nghệ sĩ cả hai nhà hát đều cảm giác như việc sáp nhập thiếu dân chủ, bàn bạc. Nó giống như một biện pháp duy ý chí.
Tôi nghĩ- giá như Bộ lắng nghe và sớm lấy ý kiến nghệ sĩ thì sẽ tạo ra sự hiểu biết và đồng tâm hơn- bởi ai cũng mong sự nghiệp sân khấu phát triển và đi qua được những thách thức như hiện nay.
Bộ Văn hóa sẽ gặp gỡ nghệ sĩ hai nhà hát
Chiều 4-5, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Phúc Thảnh và đại diện Cục NTBD có cuộc làm việc với Ban giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, đại diện Chi bộ, công đoàn Nhà hát và NSND Lan Hương. Cuộc làm việc xoay quanh lộ trình sáp nhập, thắc mắc của NSND Lan Hương xem Bộ có vượt quyền Bộ Nội vụ trong quyết định sáp nhập.
Sau cuộc họp, khi phóng viên hỏi, ông Nguyễn Phúc Thảnh chỉ trả lời rất chung chung rằng Bộ đang hướng dẫn ông Lê Hùng thực hiện. Trước đó, trong cuộc làm việc với Nhà hát, ông Thảnh nói Lê Hùng vội vã tiến hành bầu bán, bỏ phiếu tín nhiệm ở Nhà hát khiến tình hình thêm phức tạp- Bầu hay bỏ phiếu tín nhiệm thực chất là việc của Vụ Tổ chức.
Ban giám đốc Nhà hát, đại diện Đảng ủy cũng yêu cầu Bộ có một cuộc trưng cầu ý kiến nghệ sĩ xem có đồng thuận không thì mới tiếp tục sáp nhập. Ông Thảnh nói sẽ có cuộc gặp nghệ sĩ hai nhà hát để “thuyết trình” về sự sáp nhập này.
Đảng ủy Nhà hát cũng có cuộc làm việc trong tuần tới, bởi khi đạo diễn Lê Hùng tập hợp nghệ sĩ lấy ý kiến cũng không có đại diện của Bộ, và chưa bàn bạc với Đảng ủy.
Nhà hát Tuổi trẻ muốn độc lập
“Sáp nhập tốt đẹp hơn thì nên làm, nhưng cuộc này hơi chậm vì nếu ba năm trước thì anh Hùng còn có thời gian. Nay Bộ có nói nếu muốn, Nhà hát có thể xin anh Hùng ở lại! Anh Hùng nói, sáp nhập để tránh xã hội hóa, nhưng chúng tôi chấp nhận xu hướng này.
Nhà hát chỉ xã hội hóa khi đủ cơ sở, Bộ không thể bỏ mặc nghệ sĩ ngay được. Ông Thảnh nói cứ sáp nhập đi rồi đi xin cơ sở vật chất! Chúng tôi sẵn có, lại hoạt động tốt mà bây giờ lại bảo chúng tôi liều mình sáp nhập và đi xin thì không được!”- NSND Lan Hương chia sẻ sau cuộc họp với đại diện Vụ Tổ chức Cán bộ.
Toan Toan ghi