Bộ Công Thương truy DN phản ánh?
Ngày 8/1/2018, báo Tiền Phong đăng bài viết “Phí lót tay kiểm tra chuyên ngành tăng cao”, nêu thông tin khảo sát của Bộ KH&ĐT về việc phí kiểm tra chuyên ngành một số mặt hàng tăng cao (trích trong Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng năm 2020).
Theo đó, để nhập khẩu lô hàng điện lạnh, DN phải làm thủ tục kiểm tra tương thích điện từ có phí 16-20 triệu đồng/mẫu sản phẩm và phí không chính thức 4 triệu đồng/tờ kết quả. Thủ tục kiểm tra hợp quy và dán tem CR có phí 6 triệu đồng/mẫu sản phẩm và cộng thêm phí không chính thức 2 -3 triệu đồng/tờ kết quả. Đặc biệt, với thủ tục xin mã công bố của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) để được dán nhãn năng lượng thực hiện theo lô, DN phải trả phí chính thức 500.000 đồng/hồ sơ và “cõng” thêm chi phí không chính thức gấp 4 lần (lên đến 2 triệu đồng/hồ sơ).
Hay việc chồng chéo trong kiểm tra giữa các ngành. Theo phản ánh của DN, để nhập khẩu 1 chiếc điều khiển cần trục xe nâng (1,2kg) DN phải làm thủ tục 8 lần tại nhiều bộ phận của các Bộ khác nhau, trong đó có Bộ Công Thương.
Trước những thông tin trên, Bộ Công Thương cho rằng: “Thông tin phản ánh không chính xác. Đây là sự việc hết sức đáng tiếc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của bộ cũng như nỗ lực cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho DN của tập thể cán bộ ngành Công Thương”.
Theo một nguồn tin của PV Tiền Phong, đại diện Bộ Công Thương đã liên lạc qua điện thoại với thành viên nhóm nghiên cứu của Bộ KH&ĐT để “xin” tên của DN đã phản ánh.
Bộ KH&ĐT khẳng định có đủ bằng chứng
Trước phản ứng của Bộ Công Thương, khi trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại, đại diện Bộ KH&ĐT khẳng định, có đầy đủ bằng chứng về thông tin DN phải mất phí không chính thức trong quá trình làm thủ tục hành chính. “Việc bộ ngành phản ứng khi chúng tôi công bố các nghiên cứu về quy trình thực hiện việc cải cách điều kiện kinh doanh là bình thường. Chúng tôi “nói có sách, mách có chứng” về những thông tin đã công bố”, đại diện Bộ KH&ĐT khẳng định.
Theo đại diện Bộ KH&ĐT, trước khi công bố thông tin liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, nhóm nghiên cứu phải làm việc, khảo sát từng DN và với một số lượng lớn DN ở các lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Tiếp đó, Bộ KH&ĐT tổng hợp các phản ánh của DN trước khi công bố. Trường hợp làm thủ tục kiểm tra để nhập lô hàng điện lạnh mất gần 70 triệu đồng là ví dụ cụ thể để cho thấy thực trạng chi phí của DN đang rất lớn. Đây là trường hợp điển hình, còn nhiều trường hợp khác có thể mất nhiều hơn hoặc ít hơn.
Một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết thêm, với chi phí không chính thức DN mất khi làm thủ tục với cơ quan quản lý, Bộ KH&ĐT căn cứ trên nhiều bằng chứng với con số chi phí rõ ràng.
“Chúng tôi có bằng chứng là giấy tờ phê duyệt của lãnh đạo công ty đồng ý chi phí không chính thức khi làm các thủ tục kiểm tra và nhập khẩu hàng hóa. Nhưng nguyên tắc của chúng tôi là tuyệt đối không được cung cấp danh tính cụ thể của DN kể cả khi Bộ Công Thương muốn truy tìm DN phản ánh là ai”, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.
Cũng theo đại diện Bộ KH&ĐT, các ví dụ đưa ra nhằm chứng minh cho thực trạng phí lót tay khi DN làm thủ tục ở các bộ ngành. Những thay đổi tích cực của bộ ngành, Bộ KH&ĐT đã ghi rõ trong báo cáo nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra điểm chưa hợp lý. Lãnh đạo bộ, ngành nên nhìn thẳng vào điểm chưa được để sửa đổi.
“Chúng tôi là đơn vị hết sức uy tín DN mới dám sẵn sàng chia sẻ những khó khăn về chi phí trong quá trình kinh doanh. DN tin rằng, chúng tôi là nơi có thể phản ánh các vấn đề họ gặp phải và chúng tôi phải giữ bí mật cho DN. Bởi sau đó, DN phải tiếp tục làm các thủ tục ở bộ, ngành trong quá trình kinh doanh”, đại diện Bộ KH&ĐT nói.
“Chúng tôi có bằng chứng là giấy tờ phê duyệt của lãnh đạo công ty đồng ý chi phí không chính thức khi làm các thủ tục kiểm tra và nhập khẩu hàng hóa. Nhưng nguyên tắc của chúng tôi là tuyệt đối không được cung cấp danh tính cụ thể của DN kể cả khi Bộ Công Thương muốn truy tìm DN phản ánh là ai”.
Đại diện Bộ KH&ĐT cho biết