Gây ùn tắc và tai nạn đặc biệt nghiêm trọng
Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) cảm ơn báo Tiền Phong phát hiện ra hiện tượng xe cứu hộ biến tướng thành xe chở hàng hóa. Bà Hiền khẳng định, việc sử dụng xe cứu hộ để chở xe mới là sai nguyên tắc.
“Xe cứu hộ chỉ sử dụng cứu hộ xe bị hỏng hóc; việc dùng xe vận chuyển hàng hóa là sai mục đích. Ngay sau khi báo đăng, ngày 9/9, Bộ GTVT đã có công văn đề nghị Sở GTVT Hà Nội kiểm tra và báo cáo tình hình” - bà Hiền cho hay.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Hoàng Văn Mạnh, Phó phòng Vận tải (Sở GTVT) Hà Nội cho biết: Sở GTVT đã giao các phòng chức năng tiến hành kiểm tra. Trước hết, Thanh tra Sở GTVT sẽ thống kê số lượng và kiểm tra hoạt động thực tế của loại xe này.
Theo ông Mạnh, không chỉ chở xe mới sản xuất rời nhà máy, tại Hà Nội, nhiều xe cứu hộ đang biến tướng thành xe chở vật liệu xây dựng, gây ùn tắc, thậm chí gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.
Ông Mạnh cũng cho hay, vụ tai nạn giao thông làm 5 người chết tại huyện Phúc Thọ vào ngày 30/3 vừa qua liên quan trực tiếp đến loại xe trá hình này.
Cụ thể: Xe có đèn màu, ghi dòng chữ “cứu hộ giao thông” (trước đầu xe) chở đầy ống nước bằng sắt còn kéo theo máy phát điện phía sau. Đến địa bàn huyện Phúc Thọ (trên QL 32), chiếc máy phát điện bung ra, phóng thẳng vào một xe khách, dẫn đến hai xe khách ngược chiều đâm nhau trực diện.
“Hầu như chưa có quy định nào quản lý. Trong khi, loại xe này lắp các thiết bị ưu tiên, các lực lượng chức năng không thể xử lý” - ông Mạnh nói. Về thời hạn, ông Mạnh cho biết sẽ kiểm tra thực tế trong một tuần; sau đó đề nghị lãnh đạo Sở GTVT cho thanh tra trực tiếp các doanh nghiệp cứu hộ để xử lý và đưa ra các đề nghị về chính sách với Bộ GTVT.
Biến tướng vì quy định lỏng lẻo
Bà Phan Thị Thu Hiền khẳng định, các văn bản của Bộ GTVT hiện nay quy định: Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xe cứu hộ phải đăng ký ngành nghề kinh doanh với các sở kế hoạch đầu tư và báo cáo sang sở GTVT. Tuy nhiên, bà Hiền thừa nhận, quy định quản lý như vậy chưa đủ chặt chẽ; thậm chí còn “dễ” hơn cả kinh doanh xe tải.
Về việc sửa đổi thông tư về quản lý vận tải đã không giữ lại định nghĩa về xe cứu hộ (Tiền Phong đã phản ánh), bà Hiền cho biết vẫn đang tiếp tục kiểm tra và sẽ có báo cáo cụ thể.
Trước mắt, bà Hiền cho rằng cần kiểm tra giấy phép kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp này. “Nếu dùng xe cứu hộ để chở xe mới, tức là họ tham gia kinh doanh vận tải và bắt buộc phải có giấy phép của ngành GTVT” - Bà Hiền nói. Về lâu dài, Vụ Vận tải sẽ báo cáo sự việc và tham mưu cho lãnh đạo Bộ GTVT ban hành quy định quản lý loại xe cứu hộ.
Ông Hoàng Thế Tùng, Vụ phó An toàn giao thông (Bộ GTVT) cũng cho rằng, các quy định quản lý xe cứu hộ hiện nay còn thiếu, chưa rõ ràng, như: Chưa có quy định cụ thể xe cứu hộ có phải xe ưu tiên hay không; quy định về đèn và còi đặc trưng của loại xe này...
Ông Tùng cho biết sẽ đề nghị bổ sung hành vi vi phạm với xe cứu hộ vào dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt do Bộ GTVT xây dựng.
Thành lập đoàn kiểm tra xe quá khổ, quá tải
Thông tin từ Sở GTVT Nghệ An cho biết, đã phối hợp với Cục quản lý đường bộ II thành lập đoàn kiểm tra, xử lý xe tải chở quá khổ, quá tải trên địa bàn các huyện phía Bắc của tỉnh để chấn chỉnh lại tình trạng xe quá tải đang náo loạn tại khu vực này.
Sau 2 ngày đầu ra quân, lực lượng thanh tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra 10 xe tải chở hàng hóa có dấu hiệu nghi vấn. Qua đó, phát hiện và xử lý 9 trường hợp vi phạm, trong đó có 5 trường hợp chở hàng quá tải, 4 trường hợp chở hàng vượt quá chiều cao thùng hàng.
Việt Hương