Loạt phóng sự phát từ 31/3 khiến tôi chú ý bởi đề cập Việt Nam qua hai câu chuyện nóng Bí mật thương lượng với công an địa phương và Mẹ dẫn mối cho con gái, bối cảnh Sài Gòn. Trong khuôn khổ bài này không đi sâu nội dung phóng sự trên, chỉ muốn nói cách nhìn nhận về du lịch Đông- Tây đôi khi thật khó gặp gỡ.
Một chương trình truyền hình chưa đủ sức ảnh hưởng uy tín du lịch quốc gia, song vẫn để lại ấn tượng xấu. Mà cũng xấu rồi! Khách nước ngoài vào Việt Nam vẫn than họ bị chế độ “giá cho Tây phải khác” đấy thôi, từ đủ loại dịch vụ: nhà hàng, khách sạn, bán rong...
Cách đây 8 năm, tôi đưa nhóm đồng nghiệp phóng viên Indonesia và Malaysia đi Hàng Ngang, Hàng Đào mua áo. Đã phải Tây đâu mà mấy chị bán hàng nháy mắt “Em đừng mặc cả giúp họ, chị sẽ cho tiền hoa hồng sau” khiến tôi đỏ mặt. Cánh đồng nghiệp tinh nhạy “Tớ biết họ nói gì với cậu rồi”!
Đâu chỉ Việt Nam mới thế. Kees sang Thái Lan, có ngay chủ đề “De tuktuk mafia”. Cánh lái xe tuk tuk và taxi được các nhà hàng, quán bar cho tiền hoa hồng khi giới thiệu khách. Kees và đồng nghiệp quay được cảnh: đưa Kees vào quán hải sản xong, lái xe luồn ra phía sau nhận tiền, còn nhà hàng sau đó chém giá trên trời! Sang Thổ Nhĩ Kỳ và Bali gặp trò bịp đổi tiền.
Ở Thổ và Brazil có kiểu lừa sang trọng hơn: giả doanh nhân cuối ngày dạo quanh phố Tây, làm quen khách du lịch, rủ vào bar uống bia thư giãn, hai cốc vodka và hai vại bia mời hai phụ nữ ngồi cùng, bị chém đẹp 450 Euro; lần khác uống 5 vại bia, phải trả 180 Euro! “Mafia, bọn họ chính là mafia”, Kees luôn miệng gắt gỏng. Để thực hiện chương trình này, Kees nhờ chính các nạn nhân hướng dẫn cách đưa kẻ lừa bịp vào máy quay lén.
Ở Thổ, Kees hỏi một người đánh giầy “Sao tôi phải trả tiền cao gấp mấy lần khách địa phương?” “Vì anh là khách du lịch, đương nhiên nhiều tiền rồi”.
Không phải tất cả nạn nhân đều ngây thơ vô tội. Sao không đổi tiền tại quầy của ngân hàng ở sân bay, hoặc khách sạn lớn mà cứ thập thò phố xá chợ đen. Và sao để phụ nữ lạ ngồi cạnh còn cao hứng mời uống chung trong quán đèn mờ? Một người bạn Hà Lan nghe tôi tranh luận về phóng sự này, hỏi thẳng “Nếu tớ đến Việt Nam, chỉ cho tớ nơi nào không chặt chém và tin cậy được người địa phương?”, tôi bảo ngay “Côn Đảo”.
Mùa hè vừa rồi tôi trở lại Côn Đảo sau 5 năm, xúc động vì cảnh vẫn đẹp thế, không gian vẫn tĩnh lặng và đặc biệt con người vẫn đáng yêu đến thế! Đến khu di tích nhà tù Phú Bình, lớ ngớ định hỏi mua vé thì người bán vé vội khoát tay “Có đoàn khách vừa vào cổng rồi kìa, chị nhanh nhập đoàn để nghe thuyết minh trọn vẹn, ra rồi trả tiền vé cũng được”.
Chưa hết, tiện thuê xe máy cả ngày, tôi chở mẹ lòng vòng chợ đêm, vào một quán hải sản hỏi bà chủ “Cô ơi có ốc vú nàng không?”. Tâm lý khách du lịch nào đến Côn Đảo chẳng muốn một lần thử đặc sản này. Bà chủ quán thản nhiên “Chưa đến mùa, bây giờ chỉ toàn ốc vú nàng đông lạnh, giá đắt mà lại kém ngon, đừng ăn”. Kiểu thành thật chỉ có ở Côn Đảo!
Chuyện lừa đảo, chặt chém khách du lịch đâu chỉ ở châu Á. Ngay Paris, dưới chân tháp Eiffel- biểu tượng nước Pháp, mua đồ lưu niệm của người bán rong cũng phải mặc cả 1/3 giá.
Người ta cũng chỉ ra hai nguyên nhân chính khiến du lịch Praha (Séc) không thu hút khách như mong đợi: dịch vụ đổi tiền và taxi không minh bạch. Người Việt ở Séc dặn tôi “Đi taxi từ trung tâm Praha ra sân bay phải mặc cả, lái xe thường đòi 1.000 cuaron, trả 600 cuaron thôi”.
Kết quả, tôi mặc cả taxi thành công: tài xế đòi 50 Euro, tôi trả 27 Euro anh ta gật đầu, tương đương 600 cuaron đồng hương đã dặn. Đấy, du lịch thời đại thông tin phải thế, chứ nhìn đâu cũng ra mafia, ngồi nhà cho xong! Hơn nữa, cánh báo chí phương Tây chẳng đã nói vui “Từ hồi Marlon Brando* chết, làm gì còn bố già nữa” đó sao!
* Marlon Brando: diễn viên Mỹ nổi tiếng, mất năm 2004, tên tuổi gắn liền vai diễn huyền thoại Don Corleone trong phim “Bố già”.