Ngày 30/11, Bộ GD&ĐT có thông cáo báo chí liên quan đề xuất cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông.
Theo Bộ GD&ĐT, Ý kiến của PGS.TS Bùi Hiền về cải tiến chữ Quốc ngữ là đề xuất trong một hội thảo khoa học của ngành Ngôn ngữ học. Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng tất cả các công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của các nhà khoa học.
Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT, để đưa một đề xuất liên quan đến vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế, cần có sự thẩm định của các chuyên gia, ý kiến của các tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo không đủ thẩm quyền và không có dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền đáng được ghi nhận vì đó là nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn, một số chuyên gia ngôn ngữ nêu quan điểm với chữ viết sự ổn định là cần thiết.
PGS.TS Bùi Hiền nhấn mạnh công trình nghiên cứu này của ông chưa hoàn chỉnh; mặt khác lại chưa có sự chuẩn bị nhưng báo chí đã đưa lên giới thiệu.
Theo PGS Hiền, bắt người chưa quen, chưa học, chưa hiểu… phải chấp nhận thì khó. Cũng theo PGS Hiền, ông đã nghiên cứu công trình này hơn 20 năm nay. Việc bị gây tranh cãi là một sự sơ suất vì PGS mới chỉ xong một phần và gần đây, giới thiệu công trình ở một bài viết gửi kỉ yếu hội thảo khoa học ở Quy Nhơn về ngôn ngữ.
“Tuyệt nhiên, nó chưa phải đề án đem ra trưng cầu ở cấp nhà nước. Đến nay, tôi mới chỉ nghiên cứu xong một nửa (cải tiến các phụ âm). Vì chưa thật đầy đủ nên khi được đưa ra thì gây hiểu nhầm dư luận.”- PGS Hiền nhấn mạnh.
PGS Hiền cũng chia sẻ, sau khi báo chí đưa ra, đề xuất của ông nhận được nhiều lời “ném đá": “Trước hết tôi làm nghiêm túc, tôi tự bỏ tiền ra nghiên cứu, không ai đặt hàng tôi cả. Tôi chờ đợi phản ứng và ý kiến của các nhà khoa học vì những ý kiến những ngày qua chưa phải là tranh luận về khoa học.”- PGS Hiền ý kiến.
Nói về cơ sở đưa ra đề xuất này, PGS Hiền cho rằng, trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý. Chữ Việt lộn xộn ở chỗ 2-3 kí tự mới biểu hiện một âm gây phí tài nguyên, dài dòng phức tạp.