GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng cho rằng, việc bỏ quy định điểm sàn là hoàn toàn hợp lý. Việc quyết định lấy ngưỡng điểm chuẩn xét tuyển như thế nào là một tiêu chí quan trọng khẳng định thương hiệu của các trường. Điều này giúp họ chú trọng đến chất lượng đào tạo hơn là bằng mọi cách phải chạy theo chỉ tiêu tuyển sinh.
“Các trường ĐH tinh hoa hay trường bình thường sẽ có chuẩn đầu vào khác nhau. Vì thế, mỗi trường nên có chuẩn đầu vào của riêng mình”- GS Trần Hữu Nghị ý kiến.
Việc có ý kiến lo ngại khi Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn sẽ không kiểm soát được chất lượng “đầu vào”, GS Nghị cho rằng, chất lượng giáo dục là quá trình, phương pháp đào tạo của các trường và cách thức học tập của sinh viên. Không phải là khi thí sinh có điểm “đầu vào” trường ĐH tốt thì “đầu ra” cũng như vậy.
Việc cho các trường mở rộng tuyển sinh không có ý nghĩa bằng việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực sau khi tốt nghiệp.
GS Trần Hữu Nghị
Quy chế năm nay đã mở hơn cho các trường trong công tác tuyển sinh khi không có điểm sàn, được tuyển sinh nhiều đợt trong năm, tuy nhiên theo GS Nghị e ngại rằng, nhiều trường đại học ngoài công lập vẫn sẽ chết “lâm sàng”.
Ông Nghị cho rằng, khoảng 12-15 năm về trước, có khoảng 30.000 sinh viên đăng ký vào trường ĐH Dân lập Hải Phòng mà trường chỉ lấy 1.200 chỉ tiêu. Cả nước lúc đó chỉ có 130 trường đại học thì nay đã tăng lên khoảng 3 lần. Mặt khác, ở Hải Phòng khi đó chỉ có 2 trường ĐH, CĐ thì nay đã lên 5-7 trường trong khi số học sinh thì không tăng lên.
GS Nghị cũng chia sẻ, trong mấy năm qua, dù đã tuyển sinh chỉ qua xét tuyển là học sinh tốt nghiệp THPT nhưng chỉ tuyển được dưới 50% chỉ tiêu của trường.
“Với việc thay đổi như năm nay thì cũng chưa biết sẽ thế nào”- GS Nghị băn khoăn.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc bỏ điểm sàn là hợp lý.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, kế hoạch tuyển sinh năm 2017 bỏ điểm sàn là hợp lý và ông ủng hộ phương án bỏ điểm sàn của Bộ GD&ĐT.
PGS Triệu cho rằng, điểm sàn trong mấy năm qua không còn có ý nghĩa thực tiễn.
“Điểm sàn đặt ra trong 5 năm nay 10 năm về trước thì phù hợp vì khi đó yêu cầu đáp ứng của các trường đại học còn ít đối với thí sinh. Còn bây giờ các trường ĐH, CĐ đã nhiều, đã đáp ứng đủ cầu cộng với sự ra đời của Luật giáo dục đại học là các trường được tự chủ về tuyển sinh nên điểm sàn không còn hợp lý”- Ông Triệu cho biết.
Lo ngại sẽ có một cuộc “tháo khoán” vào đại học trong năm tới, ông Triệu cho rằng, khi các trường uy tín không cao thì có mời thí sinh vào họ cũng không vào.
Ông Triệu cũng đơn cử, ở mùa tuyển sinh năm trước có hơn 100.000 thí sinh đủ điểm sàn của Bộ nhưng họ không tham gia xét tuyển đại học.
Là trường năm nào cũng có điểm chuẩn cao, cách xa điểm sàn mà Bộ đưa ra, nên ông Triệu cho ý kiến, năm nay các trường nên có điểm sàn của trường mình để thí sinh biết.
Ông Triệu cũng cho rằng, việc các trường đại học tuyển sinh là xét những thí sinh chỉ tốt nghiệp THPT mà đã nghĩ đến chất lượng của “đầu ra” không chất lượng thì cơ sở đó là thấp. Vì theo ông Triệu, trong những năm qua, có nhiều trường “mời” thí sinh vào học đại học nhưng nhiều thí sinh lại chọn học cao đẳng hoặc đi học nghề.
“Quan điểm, nhận thức xã hội của thí sinh và phụ huynh giờ cao rồi. Năm ngoái, điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển vào ĐH Kinh tế quốc dân là 17 điểm trở lên, tuy nhiên số thí sinh dưới 20 điểm đăng ký chỉ chiếm khoảng 1%. Điều này cho thấy thí sinh đã nghiên cứu rất kĩ trước khi lựa chọn”.
Vị trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, quy chế năm nay có nhiều điểm có lợi cho thí sinh. Việc cho thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng cũng không làm tuyển sinh lộn xộn như mấy năm trước.
“Vài năm trở lại đây trường đưa ra điểm sàn để thí sinh dựa vào đó đăng ký hồ sơ vào xét tuyển. Năm nay dự kiến vẫn sẽ như vậy. Nhưng điểm sàn của trường năm nay bao nhiêu thì còn phải họp bàn và đưa ra quyết định của hội đồng tuyển sinh của trường”- Ông Triệu cho biết thêm.