Cụ thể, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm Báo cáo Tổng kết 9 năm thi hành Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011; Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo Bộ Công an, tội phạm mua bán người là tội phạm chủ yếu tồn tại dưới dạng ẩn, nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm gặp nhiều khó khăn; kể cả đến khi đã có tố giác, tin báo về tội phạm thì việc xác minh, điều tra cũng không thuận lợi, nhất là các vụ việc, vụ án mua bán người ra nước ngoài xảy ra đã lâu mới bị phát hiện, đối tượng, trong khi nạn nhân ở nước ngoài hoặc không thể xác minh, xác định; chứng cứ ít, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của bị hại hoặc người nhà nạn nhân...
Tuy nhiên, trong những năm qua cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của toàn xã hội, việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người thu được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực như:
Các văn bản chỉ đạo triển khai đầy đủ, kịp thời từ Trung ương đến địa phương phù hợp với từng giai đoạn; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đã được ban hành đầy đủ tạo cơ sở pháp lý quan trọng; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tiến hành đồng bộ với nội dung và hình thức đa dạng phù hợp với địa bàn, đối tượng tuyên truyền; công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ được triển khai đồng bộ, quyết liệt; công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm mua bán người đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều đường dây mua bán người đã được triệt phá…
Những kết quả triển khai Luật Phòng, chống mua bán người đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tội phạm mua bán người, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Việc ban hành và thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống mua bán người cũng là một bước chuẩn bị quan trọng cho việc Nhà nước ta xem xét phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC) và Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ nhiều bất cập, như việc các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về phòng, chống mua bán người hầu hết được ban hành đã lâu, nên nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình, chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; nhiều quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người và liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người còn chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong thực hiện... đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác này và đặt ra vấn đề cần sửa đổi Luật.