Bộ Công an huy động tối đa lực lượng tham gia cứu nạn, khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ gây ra

TPO - Bão số 3 và hoàn lưu đã gây ra mưa lớn diện rộng gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản, ảnh hưởng sâu rộng đến sản xuất và đời sống của người dân. Bộ Công an đã khẩn trương huy động tối đa lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, và hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Ứng trực 100% quân số để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra

Cụ thể, Bộ Công an đã kịp thời báo cáo tình hình với các lãnh đạo cấp cao như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư. Bộ đã triển khai các phương án ứng phó khẩn cấp với diễn biến phức tạp của thiên tai, ban hành 4 Công điện chỉ đạo các đơn vị, địa phương ứng phó với bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất và tổ chức khắc phục sự cố, tìm kiếm cứu nạn.

Lực lượng Công an cứu hộ người dân bị ảnh hưởng bởi lũ.

Lực lượng Công an đã nhanh chóng nắm bắt tình hình và cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân vùng bị cô lập. Công an các đơn vị, địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp mưa lũ, sạt lở bố trí lực lượng thường trực, ứng trực 100% quân số để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra. Công an cũng tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, xử lý nghiêm các hành vi gây mất an ninh và các thông tin sai lệch ảnh hưởng đến công tác phòng chống thiên tai.

Trong đó, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động huy động tăng cường, điều động hơn 600 cán bộ, cùng nhiều phương tiện chuyên dụng chi viện cho Công an các địa phương bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ; trực tiếp tổ chức cứu nạn, cứu hộ sự cố sập cầu Phong Châu (Phú Thọ); Hướng dẫn triển khai hiệu quả các giải pháp khắc phục hậu quả, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xây dựng các phương án chốt chặn, điều tiết, bảo đảm an toàn giao thông tại các địa bàn, tuyến giao thông trọng điểm, có nguy cơ cao xảy ra mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; Khẩn trương rà soát, đảm bảo kinh phí từ ngân sách của Bộ cho Công an các các đơn vị, địa phương thực hiện phòng, chống và khắc phục hậu quả bão, lũ, lụt; rà soát nhu cầu thực tế, kịp thời cấp phát, vận chuyển ngay trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác ứng phó, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả bão, lũ, tập trung các loại phương tiện thủy; trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; cấp bổ sung xăng, dầu... với tinh thần khẩn trương, kịp thời và hiệu quả thiết thực.

Khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão, lũ

Lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân sự cố sập cầu Phong Châu.

Công tác viễn thông và cơ yếu được tăng cường để duy trì bảo đảm đường truyền, thông tin liên lạc giữa Bộ và Công an các đơn vị, địa phương; nhiều đoàn công tác y tế đã được xuống các địa phương bị thiệt hại để hỗ trợ thuốc men, khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường..

Công an các địa phương chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, khẩn trương rà soát, thống kê chi tiết các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để kịp thời tham mưu sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản đến nơi an toàn; Khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, vệ sinh môi trường để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất; hỗ trợ lương thực, thực phẩm (gạo, mỳ tôm, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết khác), thuốc men; chủ động phương án bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và Nhà nước, phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm lợi dụng bão lũ, thiên tai để hoạt động...

Trong đó, Công an tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phối hợp để khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu. Lực lượng Công an tập trung vào công tác cứu nạn và cứu hộ, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền để kịp thời động viên, thăm hỏi và hỗ trợ người bị nạn, nhằm ổn định tình hình an ninh và trật tự.

Tại Công an tỉnh Thái Nguyên, hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ (CBCS) đã được huy động, cùng với hơn 1.000 phương tiện tuần tra và cứu hộ, bao gồm trên 100 xuồng máy, xuồng cao su và thuyền nan. Công an tỉnh Cao Bằng đã huy động trên 1.000 CBCS; Công an tỉnh Quảng Ninh huy động gần 2.000 CBCS; Công an thành phố Hải Phòng huy động khoảng 5.000 CBCS cùng gần 500 phương tiện. Công an tỉnh Bắc Ninh cũng đã huy động gần 2.000 CBCS, trong khi Công an tỉnh Vĩnh Phúc huy động trên 2.400 lượt CBCS. Công an tỉnh Hà Nam đã thành lập 500 tổ công tác với gần 2.000 CBCS và trên 1.600 thành viên lực lượng, tất cả đều tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở, hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão mưa lũ.

Lực lượng công an giúp dân di chuyển tài sản.

Ngoài ra, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị và địa phương kịp thời đề xuất khen thưởng và động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ứng phó với bão mưa lũ. Bộ cũng yêu cầu thực hiện chế độ chính sách đối với các cán bộ, chiến sĩ bị hy sinh hoặc bị thương trong quá trình ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác ứng phó với bão và mưa lũ.