Theo Bộ Công an, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ diễn biến phức tạp; vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, xuất hiện nhiều hành vi mới,có tính chất nguy hiểm nhưng chưa được quy định tại Nghị định hiện hành.
Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp cơ quan, tổ chức và cá nhân về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm GPLX.
Điểm đáng chú ý trong dự thảo Nghị định quy định việc trừ điểm GPLX không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính; hành vi vi phạm đã bị trừ điểm GPLX thì không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng GPLX.
Đối với nội dung mức trừ điểm GPLX, dự thảo Nghị định quy định 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm GPLX. Trong đó, 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ 12 điểm.
Những hành vi, nhóm hành vi bị trừ 12 điểm gồm điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%, đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ trên 35km/h, đây là những hành vi vi phạm có tính chất cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, hủy hoại công trình giao thông...
Bộ Công an cho biết, dữ liệu về điểm, trừ điểm, phục hồi điểm GPLX được lưu trữ trong Hệ thống cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và trừ điểm GPLX; việc trừ điểm, phục hồi điểm GPLX được tự động thực hiện trên hệ thống cơ sở dữ liệu.
Việc quy định trừ điểm GPLX vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên về việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mỗi lần bị trừ điểm như là "tiếng chuông" cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn.
GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân, qua đó bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp.
Đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay, tiếp thu kinh nghiệm quản lý an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới, qua đó quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc vi phạm tái phạm, từ đó sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.