Thời gian qua, tình trạng chó thả rông tấn công người đi đường xảy ra ở một số địa phương gây tâm lý bất an cho người dân. Trước tình trạng này, tỉnh Bình Dương đã thành lập các đội xử lý chó thả rông.
Các phường, xã thường xuyên tuyên truyền đến người dân về việc quản lý, không để chó, mèo không rọ mõm chạy rông ra đường. Mỗi phường, xã thành lập một đội xử lý chó thả rông.
Việc xử lý chó thả rông được tiến hành từng bước. Trước tiên là thông báo cho chủ vật nuôi, tuyên truyền và vận động chấp hành các quy định. Sau đó cán bộ phụ trách sẽ kiểm tra để nắm tình hình và phối hợp với cán bộ thú y phường bắt chó thả rông.
Để tránh hệ lụy, tạo môi trường sống an toàn cho người dân, Bình Dương sẽ mạnh tay xử lý các trường hợp chó thả rông.
Là địa phương đi đầu trong việc thành lập đội bắt chó thả rông tại Bình Dương, lãnh đạo thành phố Thuận An cho biết, việc xử lý chó thả rông sau khi bắt về khá phức tạp. Chó bắt về phải nhốt, cho ăn và thông báo cho chủ đến nhận trong vòng 48 giờ, nếu chủ không đến nhận phải đưa chó đến một đơn vị có uy tín phục vụ công tác nghiên cứu chứ không phải tùy tiện định giá và xử lý.
Ngoài việc thành lập đội săn bắt chó thả rông, một số địa phương tại Bình Dương còn tổ chức phạt nguội các trường hợp để chó đi lang thang ngoài đường.
Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, đại diện lãnh đạo phường Hiệp Thành (thành phố Thủ Dầu Một) cho biết, chính quyền địa phương tổ chức tiếp nhận hình ảnh, clip ghi lại các trường hợp chó người dân thả rông. Sau khi vào cuộc xác minh, địa phương sẽ phạt nguội đối với chủ vật nuôi. Hiện tại, phường Hiệp Thành đang xác minh hai trường hợp để xử lý về việc thả rông chó ngoài đường.
Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương, hiện nay chó, mèo trên địa bàn có 65.964 con. Năm 2023, tỉnh không ghi nhận bệnh dại nhưng số người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng là 15.479 mũi. Từ đầu năm đến nay, Bình Dương không ghi nhận ca tử vong do bệnh dại. Số người bị chó, mèo cắn nghi mắc bệnh dại phải đi tiêm phòng là 4.500 mũi.
Hương Chi