Bình Định buộc thôi việc 22 nhân viên y tế dùng bằng giả

Tất cả các nhân viên y tế này đều mua bằng trung cấp điều dưỡng làm giả của Trường Đại học Y- Dược TP.HCM với giá 10-12 triệu đồng mỗi bằng.

Chiều 9/10, ông Nguyễn Đình Huệ, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước (Bình Định), cho biết UBND huyện đã thống nhất chủ trương, giao hiệu trưởng các trường ra quyết định kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với 19 nhân viên y tế học đường của 19 trường tiểu học, THCS đóng trên địa bàn huyện. 


Lý do là những người này đã sử dụng bằng trung cấp điều dưỡng giả để được tuyển dụng. Ngoài ra, một nhân viên y tế học đường khác cũng có sai phạm tương tự nhưng chưa xem xét xử lý kỷ luật do đang mang thai.

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Cang, Giám đốc Sở Y tế Bình Định, cho biết Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước cũng đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối 3 nhân viên y tế thuộc trung tâm này do sử dụng bằng trung cấp điều dưỡng giả, trong đó có hai cán bộ làm công tác dân số, một nhân viên trạm y tế xã.

Liên quan đến vụ việc trên, trước đó, TAND tỉnh Bình Định đã tuyên phạt Trình Thị Ngọc Hậu (38 tuổi, nhân viên y tế Trường THCS xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) một năm sáu tháng tù, Phạm Thị Xuân Mai (44 tuổi, nhân viên y tế Trường tiểu học số 2 xã Phước Hiệp) một năm tù cùng tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Theo hồ sơ, năm 2006 Phạm Thị Xuân Mai, Trình Thị Ngọc Hậu mua hai bằng tốt nghiệp THPT giả với giá 5,5 triệu của một đường dây mua bán bằng giả từ TP.HCM về Bình Định để sử dụng cho mình. Đến năm 2008, khi ngành GD-ĐT Bình Định xét tuyển nhân viên y tế học đường, Mai trực tiếp liên lạc với một người chuyên làm bằng giả ở TP.HCM rồi mua 6 bằng trung cấp điều dưỡng giả với giá gần 60 triệu đồng. Mai và Hậu sử dụng mỗi người một bằng, còn lại giao cho bốn người khác. Sau đó, những người này sử dụng bằng giả đưa vào hồ sơ dự tuyển và được tuyển dụng làm nhân viên y tế tại các trường học.

Thấy mua bằng giả dễ dàng và không bị phát hiện, Hậu, Mai tiếp tục mua hàng chục bằng giả từ TP.HCM đưa về Bình Định bán lại để kiếm lời. Kết quả điều tra của cơ quan chức năng cho thấy từ năm 2006 đến 2010, Mai và Hậu đã mua 32 bằng giả, trong đó có 27 bằng trung cấp điều dưỡng làm giả của Trường Đại học Y- Dược TP.HCM, còn lại là bằng tốt nghiệp THPT làm giả của Sở GD-ĐT TP.HCM với tổng số tiền 330 triệu đồng. Trong đó, Mai trực tiếp nhận của người khác mua 17 bằng giả, hưởng chênh lệch gần 18 triệu đồng; Hậu nhận mua 15 bằng, hưởng chênh lệch 20 triệu đồng.

Theo ông Lê Văn Minh, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Định, ngoài Trình Thị Ngọc Hậu, Phạm Thị Xuân Mai, trong vụ án trên còn có một số người liên quan nhưng tính chất, mức độ hành vi, hậu quả gây ra chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên Viện KSND Bình Định kiến nghị xử lý hành chính. Ông Lê Văn Minh cho biết thêm, ngoài vụ án trên, Cơ quan An ninh điều tra Công an Bình Định đã tách đối tượng làm bằng giả tại TP.HCM thành một vụ án riêng và hiện đang tiếp tục điều tra.

Theo Tấn Lộc

Theo Pháp Luật TPHCM