Khảo sát của PV tại cảng cá phường Vĩnh Trường (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho thấy, rác thải nhựa nổi khắp nơi trên biển, chủ yếu là thùng xốp, hộp đựng thức ăn, bình nhựa… Ông Nguyễn Văn Linh (ở phường Vĩnh Trường) cho biết, vùng biển ở đây ô nhiễm là do ý thức của ngư dân và người dân địa phương. Thay vì đưa rác vào bờ, cho vào thùng rác, để công nhân môi trường thu gom thì còn đó cảnh ngư dân “xả thẳng xuống biển”. Thực trạng này cũng diễn ra tương tự tại nhiều khu vực ven biển TP Nha Trang.
Ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng Ban quản lý (BQL) vịnh Nha Trang, cho biết: Sở dĩ bãi biển trung tâm TP Nha Trang sạch là nhờ có Công ty Môi trường đô thị Khánh Hòa thu gom rác thường xuyên. Tuy vậy, hiện Nha Trang còn một số khu vực công ty này chưa trực tiếp thu gom nên các xã, phường giao các tổ tự quản thu gom. Môi trường biển các khu vực này không đảm bảo thì trách nhiệm là của chính quyền sở tại.
“Thời gian qua, chúng tôi cũng đã phối hợp với chính quyền sở tại tuyên truyền cho ngư dân trong công tác bảo vệ môi trường vì rác thải nhựa tiêu hủy rất lâu và thường nổi khi xả xuống vịnh Nha Trang. Hình ảnh này đập vào mắt du khách khi đến du lịch tại Nha Trang. Vì vậy, BQL vịnh Nha Trang thường xuyên kiểm tra việc này tại các khu du lịch và tour tuyến vận chuyển khách trên vịnh, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm tập kết rác đúng nơi quy định, hợp đồng thu gom rác với Công ty Môi trường đô thị”, ông Thái nói.
Đối với các tàu du lịch, đội vệ sinh môi trường của BQL vịnh Nha Trang và đoàn thanh niên các xã, phường ven biển tổ chức tour cùng đi với du khách, để vớt rác, nhằm nâng cao ý thức của du khách đối với môi trường biển Nha Trang. Vừa qua, BQL vịnh Nha Trang đã phát vợt cho các tàu du lịch để khi có rác, họ và du khách cùng vớt rác đưa vào bờ.
Vào ngày 5/5, Tỉnh đoàn Khánh Hòa tổ chức lễ phát động Ngày Chủ nhật xanh, cuộc thi ảnh “Thách thức để thay đổi” hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”. Tại lễ phát động, Bí thư Tỉnh đoàn Khánh Hòa Bùi Hoài Nam đề nghị các cấp bộ Đoàn và ĐVTN trong thời gian tới tiếp tục làm sạch bãi biển và các khu sinh thái ven biển, dòng sông; thu gom xử lý rác thải, chất thải… tồn đọng trên địa bàn dân cư. Đề nghị hưởng ứng tích cực phong trào chống rác thải nhựa bằng cách thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy.