Biển Đông sẽ đốt nóng Diễn đàn Shangri-La

TP - Diễn biến căng thẳng trên biển Đông cùng những thách thức đặt ra cho an ninh khu vực chắc chắn sẽ nổi bật trong chương trình nghị sự của Diễn đàn an ninh Shangri-la năm nay.
Tàu Trung Quốc tấn công tàu chấp pháp Việt Nam bằng súng phun nước.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được mời phát biểu trong lễ khai mạc diễn đàn (từ 30/5 đến 1/6 tại Singapore) sẽ làm rõ quan điểm của Nhật Bản đối với những hành động đơn phương mang tính khiêu khích, nhằm thay đổi hiện trạng khu vực của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Đồng thời, ông Abe được chờ đợi sẽ trình bày những thay đổi mang tính chiến lược của Nhật Bản nhằm đối phó các thách thức an ninh mới như sửa đổi hiến pháp, dỡ bỏ lệnh cấm quân đội Nhật Bản tham chiến tại nước ngoài từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Reuters ngày 29/5 nhận định, trong bối cảnh Trung Quốc gây hấn khiến cả châu Á lo ngại, thông điệp của Thủ tướng Abe về vai trò lớn hơn của Nhật Bản đối với an ninh toàn cầu hứa hẹn được chào đón. Nhiều quốc gia Đông Nam Á sẽ hoan nghênh Nhật Bản do Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hãn.

Thủ tướng Abe cũng được trông đợi sẽ nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp quốc tế và chống lại việc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. “Các quốc gia ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc sẽ ủng hộ ông Abe”, Malcolm Cook, chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, nói.

Ông Abe sẽ làm rõ việc Nhật Bản muốn diễn giải lại điều 9 trong Hiến pháp hòa bình nhằm cho phép Nhật Bản có quyền phòng vệ tập thể, hoặc trợ giúp quân sự một nước bạn bè bị tấn công.

Tờ Japan Times cho biết, chính phủ Nhật Bản bắt đầu xem xét 16 kịch bản cụ thể, nhấn mạnh vấn đề thủ tục và tính hợp pháp trong chiến lược phòng vệ của Nhật Bản trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực thay đổi nhanh chóng.

Không chỉ Nhật Bản và các nước ASEAN lo ngại về những diễn biến căng thẳng mới trên biển Đông. Thượng nghị sỹ Mỹ Benjamin Cardin (người đã bày tỏ lập trường ủng hộ Việt Nam, lên án các hành động khiêu khích của Trung Quốc) cho biết sẽ đưa vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc và diễn biến phức tạp ở biển Đông ra Diễn đàn Shangri-La.

Dự kiến tại Đối thoại Shangri-La lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ đưa ra kế hoạch “Triển vọng hành động chung đa phương”, nhằm xây dựng một cơ chế ngăn ngừa và quản lý xung đột trong khu vực.

Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) khuyến nghị Mỹ cần nêu vấn đề biển Đông tại Đối thoại Shangri-La vào tháng 5, Hội nghị thượng đỉnh G-7 vào tháng 6, Đối thoại an ninh chiến lược Trung-Mỹ vào tháng 7 và Diễn đàn Khu vực ASEAN vào tháng 8, nhằm đối phó Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ cảnh cáo Trung Quốc

Phát biểu về chính sách đối ngoại của Mỹ tại Học viện quân sự West Point ngày 28/5, Tổng thống Mỹ Obama cảnh cáo hành động khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông và tuyên bố sẽ buộc Trung Quốc phải có trách nhiệm đối với các nguyên tắc và luật pháp quốc tế trên biển Đông cũng như tại các khu vực khác, đồng thời cảnh báo Mỹ đã sẵn sàng đáp trả “sự gây hấn” của Trung Quốc.

Tổng thống Obama khẳng định, quân sự sẽ “luôn luôn là xương sống cho vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới”. Ông Obama cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các nước ASEAN và cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ các quốc gia này khi đàm phán với Trung Quốc nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực.

Việt Nam phản đối hành động của Trung Quốc tại LHQ

Từ ngày 27 đến 30/5, tại Mỹ đã diễn ra Hội nghị lần thứ 15 tiến trình tư vấn của Liên Hợp Quốc về đại dương và luật biển với chủ đề “Vai trò của thủy hải sản với an ninh lương thực toàn cầu”. Tại hội nghị này, Trưởng đoàn Việt Nam đã có bài phát biểu phản đối các hành động bất hợp pháp của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở biển Đông.