Biển Đông ở Harvard

TP - Lần đầu tiên, những người Việt trẻ xa xứ tổ chức hội thảo về biển Đông tại Đại học Harvard danh tiếng.
Lưu học sinh Việt dự Hội thảo biển Đông tại ĐH Harvard

> Hội thảo du học Mỹ

Lưu học sinh Việt dự Hội thảo biển Đông tại ĐH Harvard.

Vùng Boston mở rộng được xem là đất học của nước Mỹ với rất nhiều trường có thứ hạng cao trên thế giới. Ngoài những trường có truyền thống và quy mô lớn như Boston University, Harvard và MIT, còn rất nhiều ngành, trường trong lĩnh vực chuyên sâu mà hầu như tất cả những người hàng đầu trong lĩnh vực đó đều học qua như ngành ngoại giao và quan hệ quốc tế của trường Fletcher, Tuffs.

Đây là một trong những khu vực đông lưu học sinh (LHS) Việt Nam nhất ở Hoa Kỳ.

Hoạt động của LHS Việt tại Boston có truyền thống và tạo ra nhiều ảnh hưởng từ hơn 2 thập kỷ qua và hội thảo về biển Đông tại ĐH Harvard gần đây là một minh chứng.

Hội thảo do LHS tổ chức nhưng danh sách những người tham gia đều nổi tiếng như TS Nguyễn Nhã, TS Tạ Văn Tài và ông Thomas Vallely (ĐH Harvard).

Trong đó, TS Nguyễn Nhã là một nhà nghiên cứu về Biển Đông tại Việt Nam, từng cho xuất bản Đặc khảo Hoàng Sa và tổ chức triển lãm về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vào năm 1975. TS Tạ Văn Tài là giảng viên luật Việt Nam tại trường Luật (ĐH Harvard).

Với chuyên môn về ngoại giao và luật quốc tế, TS Tài có nhiều nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến thềm lục địa, các đặc quyền kinh tế và các văn bản pháp lý của các tranh luận về chủ quyền biển đảo.

Riêng nhà nghiên cứu người Mỹ - Thomas Vallely được nhiều người Việt Nam biết tới, do ông làm Giám đốc Chương trình Việt Nam của ĐH Harvard, và là một trong những học giả có vai trò rất lớn trong quá trình bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong hơn 20 năm qua.

Cuộc hội thảo được Hội thanh niên Việt Nam vùng Boston truyền hình trực tiếp trên trang Youtube.

TS Nguyễn Nhã cho biết ông từng tham gia nhiều cuộc hội thảo biển Đông nhưng sự kiện tại ĐH Harvard để lại ấn tượng: “Những người tổ chức rất trẻ. Họ là những nghiên cứu sinh, tiến sĩ tại Harvard. Hội thảo lại được trực tuyến qua Youtube. Chỉ mấy giờ sau hội thảo có người từ Việt Nam gửi cho tôi đường link”.

Với những thông tin ba diễn giả chia sẻ, phần thảo luận kéo dài hơn so với dự định. Bài học thực tế của chính Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới cho thấy việc giành lại và bảo vệ chủ quyền của chúng ta sẽ là quá trình hết sức gian nan cần có sự đồng sức, đồng lòng của cộng đồng người Việt ở khắp mọi nơi.

Nếu có sự đồng lòng, như hình ảnh “bó đũa” TS Tài nhắc đi nhắc lại trong buổi tọa đàm, cùng với câu “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” như cha ông đã dạy để phấn đầu vì một Việt Nam hùng cường.

Những người Việt trẻ xa xứ ở Boston đã rất chia sẻ bức tâm thư của TS Nguyễn Nhã, ông viết: “Không có cách nào khác, trước những nguy cơ chưa từng có tại Biển Đông, các bạn trẻ Việt Nam không phân biệt chính kiến, hãy cùng nhau dẹp bỏ những gì “xấu xí” của người Việt tại đây như tư lợi, thiếu đoàn kết, đố kỵ, khích bác lẫn nhau… mà phải có lòng yêu nước chân chính, có tâm, có tầm để cùng nhau xây dựng nội lực đất nước hùng cường”.

Theo Báo giấy