Chân dung sát thủ biển
Đứng trên bến cá Cửa Hội, một ngư dân tên Tiến kể: “Chỉ cần một chiếc thuyền nhỏ dài gần 10m, rộng 1,5m, cao 0,8 m chạy bằng máy với công suất 5 mã lực, một lưới giã điện, một bình ắc quy loại 12V, một bộ kích điện và một cơ số mìn. Tổng kinh phí chưa đầy 5 triệu đồng là có thể đi hủy diệt mầm sống của đại dương”. Mỗi đêm, Tiến kiếm được hơn 2 triệu đồng. Chỉ dăm ba chuyến là hồi vốn. Miễn sao đừng để mấy “bác” biên phòng tóm được.
Lướt qua tập hồ sơ xử lý vi phạm của Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản Nghệ An trong vài năm gần đây thấy dày đặc những sát thủ dùng mìn và xung kích điện đánh bắt hải sản ven bờ biển Cửa Lò, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc.
Gần đây Nghệ An nổi lên một số vụ như: Nguyễn Văn Ước (xóm Sơn Hải, xã Tiến Thuỷ, huyện Quỳnh Lưu), Cao Trung (Diễn Thành, huyện Diễn Châu), Trần Văn Long (xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc) dùng mìn đánh bắt cá trên biển. Hầu hết những người bị tóm đều là những đối tượng sử dụng mìn hoặc bộ kích điện làm cho cá tê liệt rồi quét sạch những con cá, con tôm từ tấm chí mén và kể cả những đàn cá còn nằm trong bụng mẹ chưa kịp sinh sản.
Thông thường mỗi khi bị cán bộ kiểm ngư của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản Nghệ An phát hiện, các sát thủ vứt thuyền bỏ chạy và ném đồ nghề xuống biển. Thuyền của cán bộ kiểm ngư hay Bộ đội Biên phòng tới lập biên bản thì không những bị chối phắt mà còn bị chửi rủa thô tục. Thậm chí không ít lần, ngư dân còn liều mạng đâm vào tàu thuyền của cán bộ kiểm ngư để ăn vạ.
Ông Lê Văn Lan, cán bộ thanh tra Chi cục Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản Nghệ An cho biết: “Trong năm qua, chúng tôi bắt được nhiều người dùng mìn đánh cá. Tàu kiểm ngư ở Cửa Lò thì ngư dân đánh bắt ở Xuân Hội (bên kia bờ Lam Giang thuộc vùng biển của Nghi Xuân, Hà Tĩnh), biết chúng tôi ở Diễn Châu, những người dùng mìn đánh cá lại chạy đến Cửa Lò”.
Một chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tâm sự: “Không thể nói hết những tác hại mà những người dùng mìn đánh cá gây ra đối với nguồn lợi hải sản trên biển. Đáng nói nhất là các đối tượng dùng kíp mìn cho phát nổ trên biển. Để bắt được cá, các đối tượng dùng thuyền chạy vè vè gần và xa bờ, hễ phát hiện thấy đàn cá là tháo chốt ném mìn. Sau những tiếng nổ long trời là những cột nước trắng xoá dựng lên và hàng đàn tôm, cá từ mẹ đến con, thậm chí cả đàn cá bụng đầy trứng đang vào mùa sinh sản bị sức ép chết nổi trắng”.
Một mẻ lưới giăng ra thật đau xót, vì thuyền chỉ vớt được 15-20% số cá bị huỷt diệt, số còn lại chìm xuống đáy đại dương hoặc nổi lềnh bềnh trên mặt nước, những con sống sót thì bị thương tật suốt đời không còn khả năng để sinh sản.
Tại khu vực Cửa Lò, một số đối tượng còn biết lặn xuống tận các vỉa san hô, khu vực có đá ngầm, nơi “mái nhà” của đàn cá đại dương trở về sau khi kiếm ăn hoặc đàn cá mẹ đang mùa sinh sản trú ẩn để đặt những khối thuốc nổ lớn hoặc chất độc Cyanua vào đó. Với lối đánh bắt như thế, những đàn cá tội nghiệp số thì chết hoặc sẽ chết cách đó không lâu, số ít sống sót thì hoảng loạn rồi bỏ sang vùng biển khác, nơi chúng không phải đối mặt với sự huỷ diệt của con người.
Cá hết, treo niêu
Vạn Xuân là một làng ven bờ sông Lam (đoạn qua xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc) nổi tiếng với nghề đánh bắt trên biển. Cách đây chưa đầy chục năm, mức thu nhập bình quân đầu người được xếp cao nhất nhì tỉnh Nghệ An. Cứ mỗi buổi sáng, đoàn thuyền đánh cá treo cờ đỏ rực cả mặt sông lại nối đuôi nhau ra khơi. Bến Vạn Xuân, cảng Cửa Hội trở thành trung tâm tấp nập người mua kẻ bán.
Bên cạnh đó, những nghề ăn theo như sản xuất nước mắm của hàng nghìn hộ dân sống dọc theo bờ sông Lam và ven biển Cửa Hội hàng chục cây số tồn tại được cũng là nhờ con cá từ Vạn Xuân. Kiếm được nhiều tiền, ngư dân Vạn Xuân sắm sửa nhiều tiện nghi, đồ dùng.
Giờ đây, trở về bến Vạn Xuân cũng như cảng cá Cửa Hội thấy heo hút. Một cán bộ địa phương tâm sự: “HTX Vạn Xuân là một trong 17 điểm đánh cá nổi tiếng của cả nước. Nổi tiếng đến mức vị chủ nhiệm HTX của chúng tôi trở thành đại biểu Quốc hội liên tục trong nhiều khoá. Thế mà giờ đây chẳng còn gì nữa, HTX đã tan rã, cá hết rồi, bà con ngư dân rơi vào tình cảnh khó khăn, tàu thuyền ra khơi không đủ tiền dầu sau mỗi chuyến trở về”.
Và sự giàu có năm nào giờ đây không còn rạng ngời trên nét mặt của bà con vùng bến Vạn Xuân cũng như cảng cá Cửa Hội. Thay vào hàng tấn cá mỗi ngày, chuyển lên xe tải thì giờ đây bà con phải xoay xở đủ nghề. Chèo thuyền thuê, mò nghêu, bắt ốc ven bờ, đi xuất khẩu lao động…nhưng cuộc sống vẫn không thoát khỏi đói nghèo.
Cùng chung số phận với hợp tác xã Vạn Xuân, là xí nghiệp đánh cá Cửa Hội.
Nghề đánh bắt hải sản ở Nghệ An ngày một đi vào bế tắc bởi trữ lượng cá trên biển đang ngày một giảm đi. Điều này không thể không bắt nguồn từ một nghịch lý đáng lên án của những ngư dân chuyên dùng mìn sát hại đàn cá, khiến nguồn lợi thủy sản càng ngày càng cạn kiệt.
Theo số liệu của Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản Nghệ An, trong hai năm 2009-2010 Chi cục Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản cùng với Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã phát hiện, xử lý 753 chiếc thuyền vi phạm vận chuyển, mua bán, sử dụng chất nổ, xung kích điện để khai thác nguồn lợi thuỷ sản, với 241 đối tượng. Phạt tiền 110 chủ phương tiện, tịch thu tang vật và chuyển giao 20 kíp nổ, 1,75 kg chất nổ, gần 2m dây cháy chậm, 77 chiếc lưới giã điện, 73 bộ kích điện và 53 ắc quy.