Ngày 8/9, đoàn công tác do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đã làm việc tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức). Tham gia đoàn có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức.
Chia sẻ với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, BS CKI Trần Thị Thu Cúc (công tác ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định) cho biết đã 55 ngày chị chưa về nhà.
"Ban đầu đến đây cũng có những khó khăn, trong suốt quá trình làm việc thường xuyên mặc đồ bảo hộ, nhất là bác sĩ, điều dưỡng nữ… Tuy nhiên mọi người đã nỗ lực khắc phục".
TS. BS. Chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19, cho biết, sau 55 ngày thành lập, Bệnh viện có nhiều lực lượng tham gia điều trị chăm sóc bệnh nhân (Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, các bệnh viện từ miền Bắc, miền Trung...) với nhân lực hiện có 1.658 người, trong đó 340 bác sĩ, 642 điều dưỡng.
TS.BS Vũ Đức Bình, Trưởng đoàn tăng cường Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, đội ngũ y bác sĩ được tăng cường vào đây với 125 người. Thời gian đầu cũng khá bỡ ngỡ nhưng đã nhanh chóng tiếp cận công việc. Khi vào thực tế mới thấy được những khó khăn vất vả của lực lượng tại chỗ.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ xúc động và ghi nhận những nỗ lực, đóng góp quan trọng của đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 vào công tác phòng chống dịch của TPHCM.
Ông trân trọng cám ơn đội ngũ tình nguyện viên, trong đó có tình nguyện viên tôn giáo đã hết lòng hết sức tham gia hỗ trợ chăm sóc người bệnh từ miếng ăn giấc ngủ.
Khi nghe những khó khăn mà đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện chia sẻ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đồng cảm, thấu hiểu từ ăn uống sinh hoạt, điều kiện sống đến công việc điều trị, thiết bị vẫn còn nhiều thiếu thốn. Đây là những khó khăn chung và mong đội ngũ y bác sĩ bệnh viện sẽ cùng nhau vượt qua.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, sự có mặt đông đủ của các lực lượng tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cũng là tiêu biểu cho các trung tâm hồi sức khác đang đóng tại TPHCM. Đó là ngoài những lực lượng chuyên trách, đội ngũ y bác sĩ đến từ nhiều vùng miền trong cả nước, còn có các lực lượng là tình nguyện viên, tôn giáo tham gia chống dịch. Các lực lượng chia sẻ, chung tay để cùng nhau thực hiện thiên chức cao cả trị bệnh, cứu người.
Ông Nguyễn Văn Nên bày tỏ xúc động khi nghe thấy, cảm nhận về công việc, đời sống của đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên tại bệnh viện. Ông cho biết đại dịch lần này rất khóc liệt và nhiều thử thách. Lực lượng tuyến đầu, những người chiến sĩ dũng cảm chính là những “chiến sĩ áo trắng”, một lần nữa đã ra trận với tinh thần không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, thậm chí có sự hy sinh.
Ông Nên nhấn mạnh cuộc chiến chống dịch COVID-19 lần này lịch sử sẽ ghi nhận. Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TPHCM trân trọng ghi nhận và biết ơn các “chiến sĩ áo trắng”.
Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã có 55 ngày chiến đấu từ những ngày đầu khó khăn gian khổ. Mỗi chặng đường đi qua ghi lại những chiến công.
Đó là bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân, điều trị và cho xuất viện khoảng 600-700 người. Đội ngũ y bác sĩ, nhân viên và các tình nguyện viên của bệnh viện đã làm tròn trách nhiệm, nghĩa cử khi giúp sức cho nhiều gia đình có người thân không may qua đời.
“Bệnh viện đã vượt qua một chặng đường gian khó, đến giờ này bệnh nhân nhập viện giảm khoảng 30%, tử vong giảm gần 50%. Đây là sự nỗ lực rất lớn, rất đáng trân trọng”, ông Nên nhấn mạnh và cho biết tại bệnh viện này có thể “đo” được tình hình ở bên ngoài cũng có xu hướng giảm tương ứng.
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM động viên đội ngũ tuyến đầu tiếp tục chiến đấu để sớm “giải tán” Bệnh viện Hồi sức COVID-19. Ông chia sẻ mong muốn tình hình dịch được kiểm soát nhanh hơn và thấu hiểu đội ngũ y bác sĩ rất nhớ nhà, có người từ nhiều tháng nay chưa về và động viên nhau chiến đấu.
Hiện nay, Bệnh viện đang điều trị cho 689 bệnh nhân, số giường hoạt động dao động khoảng 700 giường, trong đó bệnh nhân nặng khoảng 400 người. Bên cạnh đó, Bệnh viện còn hỗ trợ Bệnh viện Thủ Đức, Bình Thạnh theo mô hình bệnh viện “chị - em”.
“Dù có khác nhau ở vị trí nhưng tất cả đều chung sức chung lòng, cùng nhau để TPHCM kết thúc giai đoạn khốc liệt này”, ông Nên xúc động bày tỏ.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp tục nhưng trong điều kiện có niềm tin, có điều kiện dẫn tới chiến thắng. TPHCM đang chuẩn bị các chiến lược để trở lại “bình thường mới”.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, dù trở về “bình thường mới” nhưng hệ thống y tế TPHCM phải được củng cố, tăng cường đảm bảo đủ sức chiến đấu dẻo dai hơn, bền bỉ hơn để vừa chiến đấu trước mắt và chiến đấu lâu dài.
“Chúng ta phải chăm lo sức khoẻ, bảo vệ tính mạng nhân dân bằng mọi cách”, ông Nên khẳng định.
Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, bên cạnh điều phối bệnh nhân tốt, Bệnh viện triển khai phòng mổ cấp cứu ngay tại bệnh viện, đồng thời điều trị tâm lý và vật lý trị liệu sau COVID-19 cho bệnh nhân.
Đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận 2.628 bệnh nhân, có 496 bệnh nhân được xuất viện, 749 bệnh nhân được chuyển viện, 2.091 bệnh nhân chuyển độ nặng sang mức độ nhẹ hơn. Bệnh viện cũng đã thực hiện 100% suất ăn bệnh lý...