Bí thư Hà Nội: 'Sữa học đường là chủ trương đúng'

TPO - Khẳng định chương trình Sữa học đường là "chủ trương đúng, nhân văn", Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu khi triển khai thực hiện chương trình này phải đồng bộ, đấu thầu công khai.

Chiều 1/10, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 15, BCH Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã đề cập đến Đề án Sữa học đường được báo chí phản ánh gần đây. 

Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, chủ trương thực hiện Đề án Sữa học đường là đúng, nhân văn.

“Các đồng chí làm thế nào triển khai đấu thầu công khai, minh bạch. Đặc biệt khi họp về vấn đề này, UBND, HĐND thành phố cũng đã bàn đến chuyện kho bãi, giao sữa hàng ngày như thế nào để đảm bảo vệ sinh. Đã tính hết rồi. Bây giờ triển khai phải hết sức lưu ý, một trường làm hỏng thôi thì mang tiếng cả thành phố chúng ta”, ông Hải yêu cầu.

Tại hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội mới đây, liên quan đến những dư luận xung quanh chương trình Sữa học đường, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Theo đề án, trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tại Hà Nội sẽ được thụ hưởng chương trình trợ giá uống sữa theo năm học, từ năm học 2018 - 2019 đến hết năm 2020. Với định mức mỗi trẻ mẫu giáo, học sinh được uống sữa tươi năm lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần một hộp 180 ml.

Theo cơ chế hỗ trợ đề án sữa học đường, trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học thuộc diện nghèo, cận nghèo; học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách, được uống sữa miễn phí. Trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ 50% , doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.

Còn với học sinh bình thường, ngân sách thành phố hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50% (đóng góp không quá 3.400 đồng/hộp sữa tươi 180ml).

“Chủ trương của Sở GD&ĐT quán triệt đến hiệu trưởng các trường rằng đây là chương trình hoàn toàn tự nguyện, hiệu trưởng phổ biến cho giáo viên và phát cho phụ huynh nội dung chương trình. Mục đích tuyên truyền cho phụ huynh hiểu liên quan đến thành phần dinh dưỡng của sữa và đăng ký trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện.

Dù trẻ đã đăng ký nhưng gia đình xét thấy không có nhu cầu thì có thể dừng hoặc phụ huynh không đăng ký nhưng sau khi thấy tốt thì có thể đăng ký bổ sung. Không có chuyện ép buộc mà cũng không có chuyện tính thi đua bằng việc đăng ký mua sữa vì chúng tôi cũng chưa có tiêu chí xét thi đua trường hợp này thế nào”, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay.

Trước ý kiến nhiều phụ huynh lo lắng chất lượng sữa học đường liệu có đảm bảo, đáp ứng nhu cầu về an toàn thực phẩm trong khi gần đây liên tục xuất hiện các vụ ngộ độc an toàn thực phẩm trong bữa ăn trường học, ông Tiến cho biết, hiện Sở GD&ĐT đang phát hành hồ sơ mời các nhà sản xuất sữa tham gia đấu thầu cung cấp sữa cho chương trình sữa học đường cho các trường học trên địa bàn.

“Hiện nay chúng tôi mới phát hành hồ sơ thầu. Chúng tôi tin chắc rằng để trúng thầu thì chỉ có những hãng sữa lớn, có uy tín mới đảm nhiệm được. Sữa học đường có thành phần cung cấp trên vỏ, có tem nhãn mác riêng, thậm chí nhà cung cấp phải đảm bảo để phụ huynh test được”, ông Tiến nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị này, trả lời nhiều câu hỏi của báo chí đưa ra xoay quanh vấn đề có hay không nguy cơ trẻ dậy thì sớm do uống quá nhiều sữa, PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết: Uống sữa học đường giúp trẻ cải thiện thêm bữa ăn chứ không phải tăng năng lượng gây nguy cơ béo phì cho trẻ.

"Thừa cân, béo phì ở trẻ không phải do sữa mà do thức ăn, đặc biệt là thức ăn nhanh. Trẻ dậy thì sớm liên quan đến hooc môn. Hàng ngày chúng ta ăn rất nhiều thực phẩm tồn dư hooc môn chứ không chỉ do sữa. Sữa không phải là nguyên nhân của dậy thì sớm", bà Nhung chia sẻ.