Tốt nghiệp trường Trung cấp nghề ngành cơ khí, Bùi Văn Thành trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng đồng lương nhận được chẳng là bao. Đến năm 2020, Thành quyết định về quê khởi nghiệp nuôi ếch. Lân la tìm hiểu, xem xét thị trường, Thành quyết định mua 3.000 ếch con về nuôi thử nghiệm.
“Thời gian đầu, tôi đi tìm hiểu nhiều nơi về cách nuôi ếch hiệu quả. Trong quá trình nuôi, tôi gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, nguồn thức ăn và đầu ra. Sau khi tìm hiểu, tôi để ý thấy tỷ lệ hao hụt là khoảng 30%”, Thành chia sẻ.
Chàng trai 9x cho biết, trong quá trình nuôi ếch, điều quan trọng là quản lý tốt chất lượng nguồn nước, nguồn giống ổn định, thức ăn cho ếch đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, người nuôi phải chịu khó quan sát trong quá trình chăm sóc, kịp thời phòng ngừa bệnh và phải thay nước thường xuyên, tránh ô nhiễm nguồn nước do thức ăn tồn đọng lại.
“Mỗi ngày, tôi sẽ thay nước cho bồn ếch một lần. Mật độ nước trong bồn dao động từ 5-10 phân. Trời nắng cần cho thêm ít nước và phải có mái che. Ếch nhỏ cần phải mua xốp cho ếch đứng khỏi đuối nước. Độ PH của nước là từ 6-8 độ”, Thành nói.
Vừa nuôi vừa học hỏi, Thành dần tích lũy kinh nghiệm, làm chủ kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là cách phòng và xử lý khi ếch bị bệnh, giúp tăng năng suất, chất lượng đàn. Trong quá trình nuôi, anh thường xuyên phân loại ếch, nếu có con bị dị tật hoặc nhỏ đều được thả riêng biệt, có chế độ chăm sóc riêng. Do đó, ếch của anh luôn phát triển đồng đều.
“Con ếch nuôi thường đa số bị bệnh ghẻ, bệnh xuất huyết đường ruột và tiêu chảy. Nếu ếch bị ghẻ da mình phải pha nước muối loãng tạt. Ếch bị đường ruột sẽ tìm lá cỏ mực xay ra ép nước hòa với nước sôi để nguội trộn với cám cò cho ếch ăn. Con ếch nuôi thuận lợi thì nguồn nước phải sạch mới đạt hiệu quả được. Ban đầu nuôi có 6 bồn, hiện tại nhân rộng ra được 12 bồn. Mỗi năm sản xuất từ 4 - 5 lứa. Trong đó có một bồn nuôi ếch sinh sản để chủ động nguồn giống”, Thành nói.
Để chủ động con giống, Thành dành 1 bồn để thả 20 cặp ếch giống. Những cặp ếch giống này được nuôi trong thời gian từ 8-9 tháng là sẽ đẻ trứng. “Trong quá trình ếch đẻ trứng, phải quan sát hai bên lườn bụng ếch, nếu thấy nhám thì cho vào bể ép đẻ, sinh sản. Đặc biệt, ếch giống không được để bị trùng huyết, phải đảo giống. Ếch đẻ sau khoảng 24 giờ là sẽ nở. Từ nở đến ra làm giống là hơn 1 tháng”, 9x cho hay.
Do đặc thù ếch tăng trưởng nhanh nên khoảng 2 tháng chăm sóc là ếch đã có thể xuất bán được. Về đầu ra cho sản phẩm, Thành cho biết hiện nay xuất bán lẻ và nhập cho một số nhà hàng trên địa bàn huyện, giá nhập là 45.000 đồng/kg, giá bán lẻ dao động từ 70.000 – 80.000 đồng/kg.
Với tinh thần cầu tiến, năng động, chịu khó, ham học hỏi, bên cạnh việc gia tăng sản xuất, Thành còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào Đoàn - Hội ở địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ con giống, thức ăn, kỹ thuật sản xuất để nhiều thanh niên cùng tham gia phát triển kinh tế.
Anh Đặng Ngọc Minh, Bí thư Huyện đoàn Quỳnh Lưu chia sẻ: “Ở tuổi 26, Bùi Văn Thành bước đầu đã khẳng định ý chí, nghị lực, tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, làm giàu cho chính mình. Nhiệt tình giúp đỡ nhiều thanh niên khác ở địa phương vươn lên thoát nghèo bằng cách hỗ trợ con giống và kỹ thuật. Ngoài ra, Thành còn là cán bộ đoàn năng nổ, nhiệt tình trong các phong trào và công tác Đoàn - Hội ở địa phương”.