Bỉ thiệt hại hơn 500 nghìn tỷ đồng vì ô nhiễm PCB

TP - Một trong những vụ khủng hoảng PCB/dioxin nghiêm trọng nhất xảy ra ở Bỉ vào mùa xuân năm 1999. Một lượng lớn PCB tình cờ bị đưa vào chuỗi thức ăn, gây ra cuộc khủng hoảng thực phẩm nghiêm trọng, nhanh chóng lan ra cả nước và gây ra thiệt hại ước tính 25 tỷ francs Bỉ (gần 585 nghìn tỷ đồng).

Những dấu hiệu đầu tiên được phát hiện từ tháng một năm đó tại nhiều trang trại gia cầm, khi sản lượng trứng sụt giảm đột ngột, sau đó là tỷ lệ gà con nở ra chết nhiều và còi cọc.

Gia cầm sống sót thì bị trướng cổ, phù nề dưới da và rối loạn thần kinh. Kiểm tra mô học cho thấy chúng bị thoái hóa xương và cơ tim, khiến người ta nghi ngờ chúng bị nhiễm độc dioxin.

Các cuộc điều tra sau đó cho thấy nguồn gốc chất độc là từ công ty tái chế dầu mỡ Verkest ở thành phố Deinze. Loại mỡ được tái chế thành thức ăn gia súc, gia cầm có chứa dầu máy biến áp (chất lỏng làm mát), và đây là nguồn gốc của chất PCB. 50kg PCB bị nhiễm 1g dioxin đã tình cờ bị đưa vào 500 tấn thức ăn động vật.


Khi xác định được chất béo bị nhiễm độc đã bị bán cho 9 nhà sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm để cung cấp cho khoảng 2.500 nông trại, việc lần ra những khâu nào trong chuỗi thức ăn bị nhiễm độc là điều gần như bất khả thi.

Điều đó khiến chính phủ Bỉ phải triển khai một chương trình giám sát thực phẩm nhiễm PCB/dioxin quy mô lớn. Đến cuối tháng 12/1999, cơ sở dữ liệu của Bỉ đã có kết quả nghiên cứu của 55.000 phân tích PCB và 500 phân tích dioxin.

Các phân tích trong phòng thí nghiệm xác nhận sự có mặt của chất độc tương tự dioxin cao bất thường trong trứng, tế bào và thức ăn của gia cầm. Thịt gà là loại bị nhiễm độc nặng nhất, với hàm lượng cao hơn 100 lần mức cho phép.

Hậu quả là bảy triệu con gà và 50.000 con lợn bị giết bỏ. Nhiều nông trại phải đóng cửa trong vài tháng và nhiều sản phẩm động vật bị cấm vào siêu thị. Để bảo vệ người nông dân, chính phủ Bỉ phải hứa bồi thường thiệt hại. Cuộc khủng hoảng còn ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu các sản phẩm gia súc, gia cầm của Bỉ. Nhiều người dân nước này còn ra nước ngoài mua thịt và các sản phẩm bơ sữa.

Theo các nhà khoa học, dioxin và PCB là những hóa chất độc hại có thể gây ra nhiều bệnh như ung thư, rối loạn hormone, suy giảm khả năng sinh sản, nhiễm độc da và rối loạn miễn dịch. 

Dù các quan chức y tế phát hiện ra tình trạng nhiễm độc từ tháng 1 năm đó, nhưng các biện pháp khắc phục chỉ được thực hiện sau 4 tháng, khi báo chí phanh phui.

Ngay sau khi vụ việc vỡ lở, Bộ trưởng Nông nghiệp Karel Pinxten và Bộ trưởng Y tế Marcel Colla đã từ chức và một hội đồng được thành lập để điều tra nguồn gốc nhiễm độc cũng như sai sót của chính phủ.

Cuộc khủng hoảng thực phẩm nhiễm PCB còn ảnh hưởng đến đợt bầu cử liên bang năm 1999. Đảng Nhân dân Kitô giáo hứng chịu thất bại lịch sử và Thủ tướng Jean-Luc Dehaene kết thúc 8 năm lãnh đạo.

Ngược lại, đảng VLD giành chiến thắng lớn, đưa ông Guy Verhofstadt lên làm Thủ tướng Bỉ cho đến tận năm 2007. Đảng xanh Ecolo và Algalev cũng củng cố thêm uy tín đáng kể sau khi người dân quan tâm hơn đến vấn đề môi trường và chất lượng thực phẩm.

Theo Theo NCBI