Bí quyết khỏe và sắc diện tươi đẹp

TP - Bệnh tật thời nay phát sinh gia tăng với hai nguyên nhân chủ yếu, đó là tình trí (ý thức, tinh thần) và ăn uống sinh hoạt bất hợp lý.

> Bí quyết khỏe đẹp của Thanh Thảo
> 6 loại sinh tố cho làn da trắng mịn

Quân bình tự nhiên giữa tinh thần và thể chất

Người xưa có câu: “Bệnh từ miệng vào, vạ từ dạ ra”. Nhiều người tỏ ra phóng túng, rất dễ dàng chi hàng triệu đồng cho những cuộc nhậu nhẹt trác táng để hủy hoại sức khỏe, để chuốc lấy bệnh tật. Nhưng khi phải chi phí cho việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thì lại đắn đo, ty tiện.

Tiền bạc dành cho việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe thường là khoản dư thừa. Thời gian dành cho chăm sóc bảo vệ sức khỏe chỉ khi nhàn rỗi. Có nhiều người chợt tỉnh nghĩ tới sinh lực của mình thì đã quá muộn.

Chúng tôi có một ông thầy, năm nay cụ đã ngoài 80 tuổi mà vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Có một vị nhà báo tới hỏi cụ: - Xin cụ cho biết bí quyết để giữ gìn sức khỏe? Cụ mỉm cười trả lời: - Tôi thì chẳng có bí quyết gì. Có lẽ giữ được sức khỏe là do tôi có thói quen ăn uống luôn dừng lại ở lúc còn thòm thèm! Câu trả lời dân dã ấy đích thực là một bí quyết sống khoa học!

Con người được sinh ra là một chỉnh thể hoàn hảo. Ngoài việc phát triển còn tự bảo vệ mình khi gặp tác nhân gây bệnh.

Mỗi tạng chủ quản mỗi vùng cơ thể, ngoài việc điều hành hoạt động, phát triển hợp lý còn sinh ra tố chất điều trị bệnh và còn có khả năng tiêu diệt vi trùng khi xâm nhập. Chúng ta nên quan tâm hơn nữa cho sức khỏe của mình và thực hiện lời dạy của Y tổ Hải Thượng Lãn Ông: “Thánh nhân trị bệnh khi chưa thành bệnh”.

Trong cuộc sống đời thường rất ít người để ý đến sự quân bình tự nhiên giữa tinh thần và thể chất. Điều này phản ánh một cách bi thảm về sự thiếu hài hòa trong đời sống nội tâm của chúng ta.

Sức chịu đựng của thể xác là có hạn, nếu chồng chất lên nó tầng cũ, tầng mới những ý tưởng, những quan niệm, những tham vọng lo lắng, buồn tủi uất hận, ghen ghét thì cái thân xác tội nghiệp ấy làm sao có thể ngày đêm gánh chịu sự hỗn độn quá tải và làm sao có thể mang vác mãi theo trường đời.

Khi ấy cơ chế quân bình tự nhiên sẽ chấp nhận cho thể xác của chúng ta chế ngự và hủy hoại tâm trí. Nó ức chế khả năng hoạt động của tim, thận, gây rối loạn chức năng tim, thận dẫn đến các chứng bệnh rối loạn tuần hoàn, cao huyết áp, viêm khớp, rối loạn chuyển hóa…

Khi lâm bệnh hầu hết người ta đều cho rằng họ chẳng có lỗi lầm gì và vội vã đổ tội cho thời khí, do môi trường và than thân trách phận, oán thán đất trời… Dẫu có vài lần lâm bệnh sau khi được chữa khỏi lại quên đi những gì cần né tránh.

Trong cuộc sống sung túc họ dành hầu hết thì giờ, tiền bạc và cả sức lực để chăm chút cho vẻ đẹp bề ngoài, chẳng mấy ai lưu tâm đến những “người anh em” thân tình vất vả tận tụy ngày đêm vì cuộc sống của chúng ta đó là các bộ phận trong nội tạng. Có người còn không biết vị trí của chúng nằm ở chỗ nào trong cơ thể chứ chưa nói đến sự hiểu biết về chức năng nhiệm vụ và những nhu cầu của nó!

Quyền năng của nụ cười

Chúng ta hãy nhìn lại một nếp sống của người xưa đó là trường phái Tu Tiên “Tâm trung tiếu ý” (Nụ cười trong tâm). Những thành viên của phái này đều trường thọ, vô bệnh và minh mẫn cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Bí quyết của phái này là coi trọng quyền năng của nụ cười.

Nụ cười là động cơ thúc đẩy sự tuần hoàn sinh lực, làm hài hòa giữa tinh thần với thể chất, đẩy lùi mọi tiêu cực của con người cảm nhận yêu đời và tưới nhuận tình yêu thương trong cuộc sống.

Chúng ta để ý: Một khi đang uất ức, buồn bực, căng thẳng, miệng lẩm bẩm phiền trách chuyện gì đó, bất chợt ngước lên thấy ai đó mỉm cười với mình và chúng ta mỉm cười lại thì tự nhiên mọi buồn bực căng thẳng lắng xuống và chúng ta cảm nhận phía trước là một sự bình yên tốt lành. Đó là sức mạnh quyền năng của nụ cười.

Theo y lý triết học phương Đông, ở những người thiếu vắng nụ cười thì thường thiếu khả năng cho và nhận. Trên mặt họ biểu hiện sự thịnh âm (sắc diện xám, ánh mắt ám tối, quầng mắt thâm, các nếp da mặt luôn sệ xuống) và bệnh tật luôn song hành.

Từ năm 755, phái Đạo gia “Tâm trung tiếu ý” đã có ý thức quan tâm hết mức tới những cụ cười trong cuộc sống và để cho tạng phủ (tim, gan, phổi, thận, dạ dày, đại tràng…) bên trong cơ thể tăng cường khả năng hoạt động.

Họ còn giảm bớt căng thẳng không chỉ bằng chế độ ăn uống hợp lý mà còn mỉm cười với nó! Kết quả từ tư duy và hành động khoa học ấy đã giúp họ trường thọ và vô bệnh. Đến 99 tuổi, họ chủ động chọn một ngày thoát hồn để quy tiên trong tư thế ngồi thiền.

Để mỉm cười với tạng phủ, phái Tu Tiên dùng phương pháp tập: Ngồi quán tưởng từ mắt nở ra nụ cười. Khi nụ cười tươi nhuận, rạng rỡ thì tưới xuống khuôn mặt, dọc theo đường cổ xuống tim sang hai lá phổi, xuống gan, xuống lách rồi xuống thận và đưa về rốn.

Một đường theo nước miếng được tiết ra từ miệng xuống thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già rồi lại đưa về rốn. Và đường thứ ba nụ cười từ mắt được đưa sang gáy dọc theo tủy sống xuống tới đốt sống cùng rồi lại đưa về rốn. Phương pháp đơn giản, dễ tập và không tốn nhiều thì giờ như trên đã đem lại một thành quả kỳ diệu cho tinh thần, sức khỏe và sắc diện tươi đẹp.

Theo Báo giấy