Bí mật đằng sau trẻ em ăn xin ở TPHCM - Kỳ cuối: Cách nào ngăn chặn?

TP - Dãy nhà trọ trong hẻm trên đường số 1 (phường 16, quận 8, TPHCM), là nơi tá túc của những gia đình hành nghề ăn xin. Hằng ngày các em nhỏ bị đẩy ra đường ngửa tay xin tiền…

Xót xa đứa trẻ “hành nghề” gặp nạn

Chiều muộn 19/9, nam thanh niên có nước da ngăm đen ẵm bé gái 3 tuổi hớt hải trở về phòng trọ nằm sâu trong xóm lao động nghèo ở phường 16, quận 8. Thả bé gái xuống trước cửa phòng, người này móc điện thoại ra gọi và nói gấp gáp bằng tiếng Campuchia. Sau khi nghe người phụ nữ nói lại, nam thanh niên thêm phần lo âu.

Dãy phòng trọ nơi các gia đình hành nghề ăn xin thuê ở. Ảnh: Thuận Nhàn

Nói bập bẹ tiếng Việt, nam thanh niên kể tên H.P. (38 tuổi, xã Tnaot, huyện Kampong Rou, tỉnh Svay Rieng, Campuchia), còn người phụ nữ ở đầu dây bên kia là vợ mình (người phụ nữ đi xe máy biển số 30L6-2940 - PV), đang chăm con trai út tên H.M. (2 tuổi), tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (quận 10).

“Tôi qua đây lâu lắm rồi, hơn 10 năm, vì ở bển (Campuchia - PV) không có gì làm. Trước đây, cả nhà thuê trọ, ở quận 3 mà bên đó lu bu quá nên mới chuyển về khu trọ này được hơn một tháng”, anh P. nói.

Mỗi ngày, anh P. dắt theo bé gái đi bán vé số, còn người vợ lái xe máy chở theo 4 cháu còn lại bán vé số, xin tiền ở chợ Vườn Chuối (quận 3), ngã tư Bốn Xã (giáp quận Bình Tân và Tân Phú).

Trong 5 người con của anh P., đứa con trai út là kém may mắn nhất. Một lần cùng ba đi bán vé số, bé M. bị một người đi xe máy tông trúng rồi bỏ chạy. Cú va chạm khiến bé M. bị tổn thương phần đầu, phải mổ. Trong lúc bệnh chưa khỏi, bé được chị ẵm trên tay đi qua nhiều con đường TPHCM để tiếp tục “hành nghề”.

Hai hôm trước, tại chợ ngã tư Bốn Xã, bé khóc thét khiến mẹ và các chị hoảng loạn. Người mẹ ôm dỗ dành, cho uống sữa nhưng bé khóc càng lớn. Khi phóng viên đến dãy trọ vào sáng 19/9, căn phòng của vợ chồng anh P. vọng ra tiếng khóc to không ngớt của bé M.

“Sáng nay bé ói nhiều nên vợ đưa vào bệnh viện, bác sĩ cho nằm lại điều trị. Tiền bệnh viện lâu nay đã hơn 100 triệu, phòng công tác xã hội của bệnh viện cũng giúp đỡ nhiều. Cả nhà đi bán mỗi ngày được khoảng 500 tờ vé số, thiếu tiền thì xin thêm người ta để lo cho”, anh P. nói.

UBND TPHCM chỉ đạo các đơn vị xử lý

Ngày 15/10, Văn phòng UBND TPHCM có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Trần Thị Diệu Thúy về việc xử lý tình trạng chăn dắt trẻ em đi xin tiền theo phản ánh của báo Tiền Phong qua phóng sự điều tra “Bí mật đằng sau trẻ em xin ăn ở TPHCM".

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý tình trạng chăn dắt trẻ em ăn xin trên địa bàn thành phố. Sở LĐ,TB&XH được giao chủ trì, phối hợp với Công an TPHCM, các sở, ban, ngành, tổ chức có liên quan, UBND quận Bình Tân, quận Tân Phú khẩn trương kiểm tra, giải quyết tình trạng chăn dắt trẻ em đi xin tiền theo phản ánh của báo Tiền Phong; báo cáo kết quả thực hiện và tham mưu đề xuất (nếu có) UBND TPHCM đối với nội dung vượt thẩm quyền.

Phó Chủ tịch Trần Thị Diệu Thúy yêu cầu UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp với Công an TPHCM và các đơn vị, tổ chức có liên quan tăng cường và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, rà soát địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định các đối tượng có hành vi chăn dắt, lợi dụng trẻ em để trục lợi.

Thuận - Lê

Vợ chồng anh P. thuê căn phòng hơn 10m2 với giá hơn 2 triệu/tháng, là nơi tá túc của những đứa trẻ sau khi đi xin tiền và bán vé số mỗi ngày. Phòng được lợp bằng tôn, vật dụng có giá trị nhất có lẽ là chiếc quạt treo tường và chiếc võng đặt chiếm hết gần 1/3 căn phòng.

Trên tường dán mấy bức vẽ nguệch ngoạc của trẻ con; dưới đất, gấu bông và đồ chơi trẻ nhỏ bày la liệt. 5 đứa trẻ con anh P. chưa từng biết đến trường lớp, con chữ. Có lẽ kỹ năng duy nhất bọn trẻ có được là ngửa mũ xin tiền, mời vé số.

Cùng khu trọ với anh P. đều là những người đến từ Campuchia. Họ cũng ở những căn phòng ộp ẹp rộng chừng 10m2, lợp bằng tôn. Cửa của các căn phòng này luôn đóng kín và bên ngoài có nhiều đôi dép trẻ em. Không nói sõi tiếng Việt, nhóm người này không giao tiếp với bên ngoài và cảnh giác khi có người lạ xuất hiện tại khu trọ.

Anh M. thất nghiệp ở nhà, sống qua ngày nhờ vào số tiền 3 đứa con đi ăn xin. Ảnh: Thuận Nhàn

Cách phòng trọ của anh P. 3 căn là nơi ở của 3 cha con anh M.M. (35 tuổi, xã Tnaot, huyện Kampong Rou, tỉnh Svay Rieng, Campuchia). Anh M. có khuôn mặt già hơn tuổi, mái tóc dài. Nói bập bẹ tiếng Việt, anh M. cho biết qua Việt Nam được hơn một năm, kiếm sống bằng nghề phụ hồ nhưng 7 tháng qua không có ai gọi đi làm. Con của anh hàng ngày đi bán vé số, xin tiền ở Bến xe Chợ Lớn (quận 5), cách khu trọ chừng 5km.

“Tôi đi bán vé số hay xin tiền thì không ai cho, cũng không biết tính tiền. Mỗi ngày, các con kiếm được khoảng 200 nghìn đồng, cha con dùng số tiền này trang trải. Ngày nào hết tiền thì ăn mì gói. Tiền phòng hơn 2 triệu, ngày 16 hằng tháng phải trả nhưng tháng này vẫn đang nợ”, anh P. nói.

Đưa trẻ em quỳ gối ăn xin vào trung tâm chăm sóc

Liên quan trẻ em quỳ gối ăn xin ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc và ngã tư Gò Mây (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) mà báo Tiền Phong phản ánh, ngày 14/10, bà Phan Thị Mịnh, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, khẳng định đơn vị đang ráo riết chấn chỉnh tình trạng này.

Bà Mịnh thừa nhận việc trẻ em ăn xin diễn ra tại địa phương trong thời gian dài, khiến chính quyền đau đầu trong khâu xử lý. “Đây là địa bàn tiếp giáp quốc lộ, lượng phương tiện lưu thông lớn. Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, những đứa trẻ bỏ chạy tán loạn, có đứa còn chạy ra đường lớn khi xe tải đang nối đuôi nhau nên rất nguy hiểm. Do đó, việc thu gom còn gặp nhiều khó khăn. Tôi từng nhiều lần nhắc nhở lực lượng làm nhiệm vụ phải đảm bảo an toàn cho bọn trẻ”, bà Mịnh nói.

Bà Mịnh thông tin thêm, từ đầu năm đến nay, UBND phường Bình Hưng Hòa B phối hợp với nhiều đơn vị liên quan tổ chức tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền nhằm hạn chế tối đa tình trạng trẻ em, người lang thang ăn xin. Ngày 3/9, đơn vị đã thu gom nhóm trẻ em (2 trai, 1 gái, từ 6 đến 13 tuổi) ăn xin trước cổng khu công nghiệp Vĩnh Lộc, ngã tư Gò Mây và lập thủ tục đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM (phường 13, quận Bình Thạnh), để chăm sóc.

Thuận - Lê

Người dân không nên cho trẻ tiền

Theo TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh, Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), trẻ em phơi nắng ngoài đường nhiều giờ liền để ăn xin sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe. Không những thế, trẻ còn bị tước đoạt cơ hội tiếp cận giáo dục. “Khi lớn lên, các em muốn vươn lên thoát nghèo, độc lập về kinh tế cũng rất khó. Điều này tạo nên sự bất bình đẳng trong xã hội”, bà Nguyệt Anh nói.

Bà Nguyệt Anh cho rằng, trẻ em ăn xin lâu ngày sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề vì không cảm nhận được tình yêu thương, che chở của cha mẹ. Chưa kể, nếu không xin được tiền, dễ bị lôi kéo vào các hoạt động phi pháp khiến việc hình thành nhân cách bị méo mó. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể trở thành nạn nhân của bạo lực và lạm dụng tình dục.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Đỗ Trúc Lâm, Đoàn Luật sư TPHCM, khẳng định việc người lớn ép trẻ em ra đường ăn xin là vi phạm pháp luật. Ngay cả người chăn dắt là cha mẹ và họ là người nước ngoài thì vẫn bị xử lý như những trường hợp khác. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự. Chủ trọ nếu không khai báo lưu trú cho nhóm người Campuchia dẫn trẻ em qua Việt Nam ăn xin cũng bị xử phạt hành chính, mức phạt 3-5 triệu đồng.

“Cơ quan chức năng nên nghiên cứu tăng mức phạt cho các hành vi chăn dắt trẻ ăn xin để răn đe, phòng ngừa tình trạng bóc lột trẻ em”, luật sư Trúc Lâm đề nghị.

Để ngăn chặn tình trạng trẻ em ăn xin, TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh cho rằng, người dân tuyệt đối không nên cho trẻ tiền, bởi việc này vô tình tiếp tay cho tội phạm. “Nhiều người biết chuyện bọn trẻ bị chăn dắt nhưng vì lòng thương nên vẫn cho tiền. Nếu việc này cứ lặp lại thì sẽ xảy ra một vòng luẩn quẩn, trẻ sẽ tiếp tục bị bắt buộc bị hành nghề”, TS. Nguyệt Anh nhấn mạnh.

Muốn giải quyết tận gốc, theo TS. Nguyệt Anh, phải tạo cơ hội giáo dục cho trẻ và hỗ trợ xã hội cho gia đình các em. Cần để cha mẹ các em nhận thức được tầm quan trọng của việc học để thay đổi tư tưởng, giúp họ thoát khỏi vòng xoáy của đói nghèo.