Brussels là một thành phố cổ kính nhưng nhộn nhịp, nổi tiếng với phong cảnh, chocolate và bia, nhưng nó cũng nhanh chóng trở thành mảnh đất màu mỡ để các nhóm cực đoan tuyển mộ chiến binh jihad.
Theo cảnh sát, vụ khủng bố Paris tháng 11 năm ngoái được lên kế hoạch ở đây, và nghi phạm chính Salah Abdeslam đã lẩn trốn tại căn hộ ở Brussels trước khi bị cảnh sát bắt trong cuộc đột kích khu vực Molenbeek hôm 18/3. Hôm qua, Bỉ hứng chịu một loạt vụ đánh bom khủng bố tại sân bay và nhà ga tàu điện ngầm ở Brussels.
Bình quân đầu người, Bỉ là nước có số lượng chiến binh nước ngoài ở Syria cao nhất trong tất cả quốc gia Tây Âu. Các chuyên gia nói gần 500 đàn ông và phụ nữ đã rời Bỉ đến Syria và Iraq kể từ năm 2012. Họ cũng cho biết hơn 100 người trong số này đã về nước và ngay lập tức bị bắt.
Theo CNN, Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon nói rằng công tác chống khủng bố của lực lượng an ninh đang có hiệu quả, tuy nhiên, ông cũng thừa nhận những kẻ tuyển mộ của IS vẫn đang hoạt động tại Bỉ.
"Việc tuyển mộ vẫn tiếp tục, ở mức độ thấp hơn nhiều so với trước đây, nhưng tất nhiên, tình trạng đó vẫn tiếp tục", ông nói: "Thật khó để truy lùng những kẻ này, chúng có thể chiêu mộ tân binh ngay tại một căn phòng nhỏ ở mỗi nhà".
Lạc lõng
Một người lấy tên là Ali khóc nức nở khi kể về hai anh em của mình, đã đến Syria và gia nhập nhóm Hồi giáo cực đoan Sharia4Belgium. Một người đã chết trên chiến trường.
Ali tin rằng việc phân biệt đối xử và thiếu cơ hội việc làm cho thanh niên Hồi giáo tại Bỉ đã khiến nhiều người tự đâm đầu vào con đường nguy hiểm, vì đơn giản là họ không cảm thấy được chấp nhận ở quê nhà. Những tên tuyển mộ jihad đã nhắm vào suy nghĩ này.
"Nhà nước Bỉ quay lưng lại với trẻ em và các thanh niên Hồi giáo nhập cư, họ nói rằng: 'họ đều là người nước ngoài, tại sao chúng ta phải cho họ việc làm?'. Họ khiến chúng tôi căm ghét và cảm thấy bản thân mình vô dụng. Vì vậy khi các thanh niên biết đến tình hình tại Syria, họ nghĩ rằng: 'được rồi, hãy đến đó để trở thành người có ích'", Ali nói.
Ali tin rằng các quan chức an ninh Bỉ đang cố tình làm ngơ trước việc nhiều thanh niên đến Syria. "Họ muốn tống khứ những người này bằng cách để họ đi".
Ông thừa nhận rằng hai người anh em của mình phải tự chịu trách nhiệm cho hành động của họ, nhưng anh cho rằng chính quyền nhẽ ra phải làm nhiều hơn để ngăn cản họ.
Geraldine Henneghien thì kể về nỗi đau khi con bà, tên là Anis, đã sang Syria gia nhập IS và chết tại đây. Henneghien cho biết bà thậm chí đã báo cảnh sát để mong có thể ngăn chặn con mình rời nước đến Syria nhưng không có kết quả.
"Hai tuần trước khi nó đi, tôi báo cảnh sát rằng 'con trai tôi là sẽ bắt máy bay vào ngày này để đến Syria'", bà kể. Lo ngại Anis có thể là thành viên của mạng lưới khủng bố, một thẩm phán địa phương đưa Anis vào danh sách theo dõi, nhưng cậu ta vẫn được xuất cảnh.
"Ngày con trai tôi đi, tôi lại đến báo cảnh sát nhưng họ không làm gì cả", Henneghan nhớ lại. "Họ nói với tôi rằng: 'con trai bà không phải là trẻ vị thành niên, vì vậy chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì. Cậu ấy được phép đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ điều gì cậu ấy muốn'".
Anis 18 tuổi khi rời Bỉ vào năm 2014. Bà cho biết năm sau cậu ta bị giết ở Syria. Không có điều gì có thể mang con bà trở lại, nhưng Henneghien cho rằng Bỉ cần làm nhiều hơn để khuyến khích những thanh niên giống con bà trở về.
Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jambon khẳng định chính phủ đang nỗ lực ngăn chặn thanh niên cực đoan rời nước, nhưng thừa nhận họ vẫn còn nhiều việc phải làm.
"1,5 năm trước, chúng tôi có 15 người rời đến Syria và Iraq mỗi tháng, giờ con số này nhỏ hơn 5. Nhưng tôi biết rằng 5 vẫn là quá nhiều. Vẫn còn người gia nhập IS có nghĩa là chúng tôi vẫn chưa làm đủ. Đó là điều rõ ràng. Mục tiêu là không có người nào đi cả".
Tuy nhiên Montasser Al De'emeh, người sáng lập một trung tâm phi cực đoan có trụ sở ở Brussels, nói rằng khó có thể dùng vũ lực để ngăn cản những người đã quyết tâm rời đi. Ông cho rằng, thay vào đó, "hãy ngăn chặn bằng cách giúp họ xây dựng một tương lai, giúp họ hiểu họ thực sự là ai".
Anis, con trai bà Geraldine Henneghien, là chiến binh IS chết ở Syria năm 2015. Ảnh: CNN
Xử lý nặng tay
Người anh trai sống sót của Ali cuối cùng cũng trở lại Bỉ và ngay lập tức bị bỏ tù. Nhưng Ali nói rằng cả gia đình anh đều cảm thấy như tội phạm khi cảnh sát có vũ trang đột kích vào nhà của gia đình anh, khi mẹ, vợ và các con anh đang ngủ.
"Cảnh tượng giống như trong phim. Có khoảng 10 người chĩa súng vào chúng tôi. Sao lại cần phải gay gắt như thế? Họ không tìm thấy gì, không có vũ khí, không có chất nổ, chẳng có gì. Nhưng họ ập vào nhà chúng tôi như thể chúng tôi vũ trang từ đầu đến chân".
Ông cho rằng việc lực lượng an ninh xử lý quá mạnh tay đã gây phản tác dụng, khiến gia đình, bạn bè và hàng xóm của họ phản đối chính quyền: "Điều này chỉ làm chúng tôi căm ghét họ".
Yassine Boubout, một thanh niên Hồi giáo 18 tuổi từng bị cảnh sát khống chế nhầm vì nghi ngờ là phần tử khủng bố, cho biết cách đối xử như vậy "khiến cho những kẻ tuyển mộ có cái cớ để dụ dỗ chiến binh". "Họ có thể nói rằng: 'thấy chưa, đây là một xã hội phân biệt chủng tộc. Họ không muốn các anh ở đây'. Những kẻ tuyển mộ sẽ vin vào cái cớ đó", anh nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Jambon nói rằng đa số thanh niên Hồi giáo hòa đồng tốt vào xã hội Bỉ, nhưng thừa nhận chính phủ còn nhiều việc phải làm để khiến một số người cảm thấy "như ở nhà" tại chính đất nước của họ, vì cảm giác bị cô lập có thể khiến họ dễ bị cực đoan hóa.
"Chúng ta đang nói về thế hệ người nhập cư thứ ba, thứ tư, những thanh niên này được sinh ra ở Bỉ, ngay cả cha mẹ họ cũng sinh ra tại Bỉ, nhưng họ vẫn bị dụ dỗ bằng loại thông điệp đó. Điều này không hề bình thường", bộ trưởng nhận xét.
"Trong khi ở Mỹ, thế hệ người nhập cư thứ hai làm tổng thống, thì ở đây, thế hệ thứ tư lại là chiến binh IS. Đó thực sự là vấn đề chúng tôi phải xử lý", ông Jambon nói thêm.