Trước bất cập trong việc cấp giấy đi đường theo mẫu mới, chiều tối qua, Hà Nội đã có chỉ đạo người dân có thể dùng giấy đi đường cũ để tham gia giao thông, đồng thời điều chỉnh quy trình cấp phép cho các nhóm đối tượng...
Là một doanh nghiệp vận chuyển các mặt hàng nước uống, lương thực đến các siêu thị, đại lý trên địa bàn Hà Nội và các vùng phụ cận, mỗi ngày DN vận tải V.K, trụ sở tại huyện Thanh Trì, có hơn 100 lái xe chở hàng đi nhiều quận, huyện Hà Nội. Cùng với đó, đơn vị còn có hơn 100 người lao động làm việc gián tiếp (tại các văn phòng) để phục vụ việc vận hành của đội xe.
Tuy nhiên, sau hơn 4 ngày làm các thủ tục xin giấy đi đường theo mẫu mới, đến cuối giờ chiều qua, DN này vẫn chưa được công an xã tại huyện Thanh Trì cấp cho bất kỳ giấy đi đường nào.
Đại diện doanh nghiệp thông tin, cách đây 4 ngày, họ đã hoàn thiện hồ sơ và gửi công an xã. Sau đó, họ nhận được xác nhận của công an xã là đã tiếp nhận hồ sơ.
“Chúng tôi yên tâm để chờ được cấp giấy đi đường, nhưng chờ nhiều ngày không có phản hồi. Suốt ngày 7/9, chúng tôi liên tục liên lạc qua cảnh sát khu vực, thậm chí cả trưởng công an xã nhưng được trả lời là chưa thể cấp vì còn nhiều thủ tục DN chưa hoàn thiện, trong đó có việc địa phương chưa thể xác định được DN thuộc nhóm hàng hóa nào để xếp vào nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường”, đại diện doanh nghiệp V.K thông tin.
Theo đại diện doanh nghiệp, từ thực tế hoạt động và căn cứ hướng dẫn của Công an thành phố, doanh nghiệp của họ là nhóm đối tượng 6. Hơn nữa, đơn vị hoạt động trên địa bàn lâu năm, công an xã "không còn lạ gì". Do vậy, nếu không được cấp, đại diện công an xã phải trả lời ngay hoặc hướng dẫn để DN có hướng thực hiện. "Đằng này đến sát ngày, DN hỏi dồn dập công an xã mới trả lời như trên là thiếu trách nhiệm", đại diện doanh nghiệp nói.
Tại một số xã khác của huyện Thanh Trì… chúng tôi cũng nhận được phản ánh tương tự. Một số DN ở đây phản ánh, đến chiều 7/9 họ vẫn chưa nhận được giấy đi đường. Thậm chí, cảnh sát khu vực tại một xã của huyện Thanh Trì còn thông báo cho đại diện một DN rằng, từ hồ sơ đã nộp, phải chờ công an xã lập đoàn công tác xuống kiểm tra đơn vị rồi mới có thể cấp giấy.
Tuy nhiên, tra hướng dẫn của công an thành phố Hà Nội, nhóm đối tượng 6 được hướng dẫn với các nội dung như sau: Đối tượng là cá nhân, người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khắc phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu. Thẩm quyền cấp Giấy đi đường là Công an xã, phường, thị trấn.
Bức xúc trước việc trên một số DN đang hoạt động trên địa bàn huyện Thanh Trì đã phản ánh đến báo chí và đưa thông tin lên mạng xã hội.
Tự thêm kiểm tra DN vào quy trình cấp giấy?
Quy trình cấp giấy đi đường mới gồm 4 bước: Bước 1 - Đơn vị cử 1 cán bộ đại diện làm việc trực tiếp với Công an xã/phường/thị trấn để cung cấp thông tin, hướng dẫn (bước 1); Bước 2: Gửi lại danh sách theo biểu mẫu đã hướng dẫn để đề nghị cấp Giấy đi đường; Bước 3: Trên cơ sở danh sách đề nghị của các cơ quan, tổ chức; căn cứ vào diện các đối tượng theo quy định, Ủy ban nhân dân các xã/phường/thị trấn duyệt danh sách cấp Giấy đi đường và chuyển cho Công an xã/phường/thị trấn cấp Giấy đi đường có mã nhận diện (ký, đóng dấu); Bước 4: Công an xã/phường/thị trấn trực tiếp gửi Giấy đi đường có mã nhận diện tới các cơ quan, tổ chức theo địa chỉ đăng ký.
Theo hướng dẫn trên, không có bước và nội dung quy định nào nói công an xã, phường phải lập đoàn xuống kiểm tra DN. Hơn nữa, theo đại diện các DN, họ có trụ sở và hoạt động trên địa bàn nhiều năm, cảnh sát khu vực và công an địa phương không nắm bắt được là quá vô lý.
Trả lời PV Tiền Phong về nội dung này, cảnh sát khu vực tại một xã có DN phản ánh sự việc trên, cho rằng: Sở dĩ họ phải đưa ra việc kiểm tra trên vì để biết DN địa chỉ thế nào, hoạt động ra sao… công an phải thành lập tổ công tác tương tự như đoàn kiểm tra để xuống thực tế, nắm bắt tình hình.
Chiều 8/9, trước các thông tin PV Tiền Phong cung cấp, Thượng tá Nguyễn Mạnh Dầu, Phó trưởng Công an huyện Thanh Trì xác nhận, theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch huyện, tất cả các trường hợp xin cấp giấy đi đường, kể cả lái xe phải được xác minh, làm rõ từ địa chỉ trụ sở đơn vị đến nơi cư trú của nhân viên.
Tuy nhiên, ông Dầu cho biết, Ban Chỉ huy Công an huyện chỉ yêu cầu Công an các xã và cảnh sát khu vực qua công tác nắm bắt địa bàn phải có trách nhiệm làm rõ những yêu cầu đó, chứ không yêu cầu lập đoàn đi kiểm tra hoặc làm việc với DN. Ông Dầu cho biết, ông sẽ kiểm tra và nếu có sự việc trên Ban Chỉ huy công an huyện sẽ yêu cầu báo cáo, chấn chỉnh.