Bí ẩn báu vật 400 năm tuổi ở Quảng Trị
> Vụ án “trộm cổ vật” ở Bắc Giang: Chứng cứ gỡ tội có ngay trong hồ sơ!
> Vụ “trộm cổ vật” ở Bắc Giang: Sự thật phải được làm rõ
Làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, Quảng Trị có hai báu vật nổi tiếng, được nhiều người biết đến, đó là mộ rùa đá và một pho tượng cổ.
Theo người dân địa phương thì hai báu vật này đã trên 400 năm tuổi và được hàng trăm người dân bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Bí ẩn mộ rùa đá
Một trong hai báu vật nổi tiếng làng Trà Liên đó là ngôi mộ rùa đá, nằm ngay cạnh con đường nhỏ dẫn vào làng, cách cổng làng khoảng 10m. Mộ rùa đá không được xây dựng to đẹp như những khu mộ khác mà nằm lẩn khuất cùng bùn lầy, cỏ dại cách nhà dân chỉ vài bước chân. Mộ dài khoảng 1m, chiều ngang 0,6m. Chúng tôi đến mộ rùa đá khi cơn bão số 10 vừa càn quét qua nên xung quanh mộ đều ngập nước, cũng vì nước xói mòn nên một phần mai rùa đá đã bị lộ thiên.
Ông Nguyễn Huỳnh, Trưởng thôn Trà Liên Tây dẫn chúng tôi tiến đến ngôi mộ, tay run run bới từng gọng cỏ, cục đất đắp lên mai rùa để lấp đi chỗ lộ thiên rộng chừng 30cm do bão gây ra. Ông cho biết: "Không có tư liệu chính thức nào nói về mộ rùa đá. Chỉ biết rằng, ngôi mộ cổ này mới được phát hiện ngày 18/3/2013 khi gia đình anh Trịnh Hải Hùng đào móng nhà và chạm phải ngôi mộ. Trên mộ có một tấm bia đá bị gãy đôi chỉ còn lại một nửa, trên tấm bia có hai chữ nho dịch ra là "việt" và "ân", còn rùa đá thì bị cụt mất một chân.
Sau khi phát hiện ra mộ rùa, anh Hùng làm lễ cúng rồi đem ra bãi hoang gần sông Ái Tử để chôn. Ngay sau khi sự việc xảy ra, dân làng Trà Liên đã phải tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để đem rùa đá từ bãi hoang trở về chỗ cũ, tức là địa điểm mộ rùa hiện tại. Riêng tấm bia cổ thì được một người cao tuổi trong làng Trà Liên cất giữ để làm bằng chứng sau này".
Khi mộ rùa đá được phát lộ, nhiều cụ già trong làng Trà Liên đã phán đoán rằng, đây có thể là cổ vật trong Lăng Cồn Rùa trước đây và có tuổi thọ trên 400 năm. Lăng Cồn Rùa có lẽ được xây dựng vào thời chúa Nguyễn Hoàng khai phá vùng Thuận Hóa năm 1558. Quá trình khai phá bờ cõi, ông đã cho xây dựng Lăng Cồn Rùa to nhất làng Trà Liên. Qua mấy trăm năm tồn tại, đến thời chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Lăng Cồn Rùa bị bom đạn phá tan tành, những cổ vật trong Lăng cũng bị kẻ gian đánh cắp gần hết...
Ông Nguyễn Huỳnh cho biết: "Từ khi phát hiện mộ rùa đá, dân làng chúng tôi coi đó như vật thiêng của làng và bảo vệ nghiêm ngặt không cho người lạ đem đi nơi khác. Vào mỗi ngày rằm, người dân trong làng có thể đến mộ rùa thắp hương cầu mong những điều tốt lành".
Cả làng bao vây tượng cổ
Báu vật thứ 2 của làng Trà Liên đó là pho tượng của Uy Quốc công Nguyễn Ư Dĩ, ông là cậu ruột của chúa Nguyễn Hoàng. Người dân địa phương cho rằng, pho tượng Nguyễn Ư Dĩ cùng với tượng rùa đá trước đây đều được đặt ở cùng một chỗ.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, người dân làng Trà Liên thì dân làng Trà Liên nói riêng và cả vùng Thuận Hóa trước đây nói chung đều rất yêu mến Nguyễn Ư Dĩ. Điều này bắt nguồn từ tấm lòng thương dân của vị quan thời Nguyễn. Khi Nguyễn Ư Dĩ đến vùng đất Thuận Hóa thì được người dân đổ ra đường nghênh đón, vì đây là vùng đất cằn khô sỏi đá, dân nghèo nên không có vàng bạc, châu báu làm lễ vật tiến quan, họ liền dâng 7 chum nước mưa thay cho lụa là, châu báu.
Sau đó, Nguyễn Ư Dĩ liền nói với chúa Nguyễn Hoàng rằng phải giữ được lòng dân nơi đây bằng cách bãi bỏ sưu thuế để người dân phấn đấu làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Từ đó, Nguyễn Ư Dĩ lại càng được nhân dân yêu mến, kính trọng. Khi ông mất, người dân tôn ông làm thánh và đúc tượng, tháng ngày nhang khói tỏ lòng thành kính.
Năm 1972, làng Trà Liên bị đế quốc Mỹ đánh phá tan hoang, nhưng thật kỳ lạ là pho tượng đồng của Nguyễn Ư Dĩ lại không hề hấn gì, thậm chí, pho tượng như có sức mạnh thần kỳ đẩy bay những mảnh bom, đạn ra xa. Vì việc này nên người dân càng tin rằng, ông là người sống khôn chết thiêng, hết lòng phù hộ nhân dân ấm no, hạnh phúc nên thường đến đây nhang khói cầu mong điều tốt lành. Ngay sau khi tiếng bom kết thúc, người dân ra sức chỉnh trang lại khu thờ tự, dựng lại pho tượng Nguyễn Ư Dĩ, đến năm 1985 gió bão ập vào khiến tượng đồng bị đổ, sau đó người dân tiếp tục dựng lại một lần nữa.
Năm 1998, pho tượng bị những kẻ săn tìm đồ cổ lợi dụng lúc người dân sơ hở để đánh cắp, chúng khiêng tượng ra bờ sông Ái Tử định cho lên thuyền chạy trốn. Thế nhưng, pho tượng rất nặng, mặc dù chỉ cao chừng 80cm nhưng nặng đến trên 3 tạ, phải cần đến 8 thanh niên lực lưỡng dùng đòn cứng mới có thể nhấc lên được. Ngay khi phát hiện pho tượng quý bị kẻ xấu đánh cắp, dân làng Trà Liên đã chia nhau ra các hướng đi tìm. Khi dân ra đến bến sông thì phát hiện ra tượng quý đang nằm dưới đáy sông. Người dân đem về chỗ cũ dựng lại tượng. Để tránh bị đánh cắp, người dân đã xây kín 3 mặt bằng bê tông cốt thép để kẻ gian không có cơ hội đánh cắp.
Theo ông Nguyễn Huỳnh thì khoảng năm 2004 - 2005, ở làng Trà Liên vài người lạ mặt đến xem pho tượng. Trước những biểu hiện khả nghi của các đối tượng lạ mặt, hàng trăm người dân làng Trà Liên từ già đến trẻ đã bao vây pho tượng ngăn chặn người lạ đến gần, phong tỏa toàn bộ các ngả đường dẫn vào làng, đồng thời đòi bắt giữ những người bị tình nghi là có ý định đánh cắp cổ vật. Ngay sau đó, công an phải vào cuộc khuyên giải dân làng thì họ mới chịu giải tán nhưng vẫn cử người canh giữ pho tượng rất nghiêm ngặt. Việc bao vây, phong tỏa làng Trà Liên tiếp tục diễn ra trong hai ngày sau đó và chấm dứt.
Lần gần đây nhất, dân làng đem tượng phật ra khỏi am thờ là khi Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đến để lấy tiêu bản tượng đồng đem về đúc một tượng khác tương tự nói là để trưng bày ở bảo tàng tỉnh cho khách thập phương đến có dịp chiêm ngưỡng.
Theo Quách Trần
Kiến Thức