Kết nối, chia sẻ dữ liệu
Trong quý 3/2022, BHXH Việt Nam tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ ngành liên quan triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như: Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu; hoàn thiện Quy chế quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu trong các phần mềm và dữ liệu của ngành BHXH...
BHXH Việt Nam cũng phối hợp với các bộ ngành để liên thông dữ liệu phục vụ hoạt động quản lý ngành, như: Phối hợp với Bộ Công an trong tích hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu BHXH, BHYT với dữ liệu dân cư; Phối hợp cùng Bộ TT&TT, Tư pháp thực hiện tiếp nhận, liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em; Kết nối với Tổng cục Thuế để rà soát, khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT từ dữ liệu thuế;
BHXH Việt Nam cũng phối hợp với Bộ GD&ĐT hoàn thiện dữ liệu về học sinh, sinh viên; Phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH trong giải quyết các chế độ BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp; Kết nối với Bộ KH&ĐT nắm bắt tình hình đăng ký doanh nghiệp với việc tham gia BHXH, BHYT; Chia sẻ dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT với Bộ Y tế để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử; tiếp nhận dữ liệu bảo lưu, dữ liệu thẻ BHYT từ BHXH Bộ Quốc phòng...
Trong quý 3/2022, BHXH Việt Nam đã cung cấp thành công dịch vụ công Gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình có giảm trừ mức đóng trên Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam và Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tính đến hết ngày 18/9, đã có 154 lượt gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình trên hệ thống được BHXH Việt Nam tiếp nhận và giải quyết.
Hiện BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí; Triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc dựa vào thông tin sinh trắc tích hợp trên căn cước công dân gắn chíp...
Cập nhật số căn cước công dân vào hồ sơ BHXH, BHYT
Để tiếp tục quá trình chuyển đổi số, chuẩn hoá dữ liệu, BHXH Việt Nam cũng vừa có văn bản giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc, BHXH các địa phương về cập nhật, bổ sung số định danh cá nhân/căn cước công dân vào cơ sở dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT; đẩy mạnh vận động người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số.
Mục tiêu tới hết năm nay có 90-100% người tham gia BHXH, BHYT được cập nhật, bổ sung số định danh cá nhân/căn cước công dân; có khoảng 35 triệu người được phê duyệt, sử dụng ứng dụng VssID.
BHXH Việt Nam yêu cầu người đứng đầu các đơn vị, lãnh đạo BHXH các địa phương quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động thuộc đơn vị về kế hoạch trên.
Người đứng đầu các đơn vị được yêu cầu chủ động nắm bắt, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình cập nhật, bổ sung số định danh cá nhân/căn cước công dân; cài đặt, phê duyệt và sử dụng ứng dụng VssID theo phản ánh từ người dân và địa phương.
Các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam cũng được yêu cầu kịp thời điều chỉnh chức năng phần mềm, phân loại dữ liệu người tham gia, cung cấp số liệu báo cáo phục vụ theo dõi, đôn đốc triển khai kế hoạch theo tuần, tháng hoặc đột xuất.
Hoàn thiện, nâng cấp các tính năng sẵn có, phát triển những tính năng mới đáp ứng nhu cầu của người dân khi sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cũng được yêu cầu thường xuyên kiểm tra, đôn đốc bộ phận liên quan triển khai nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, chất lượng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho đơn vị và người tham gia BHXH, BHYT trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tính đến 18/9/2022, hệ thống dữ liệu của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 50,5 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu của ngành với Cơ sở dữ liệu dân cư; chia sẻ trên 60,3 triệu lượt thông tin BHXH, BHYT cho Cơ sở dữ liệu dân cư. Toàn quốc đã có gần 11,2 nghìn cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp thay cho thẻ BHYT, với gần 1,8 triệu lượt sử dụng. Cùng đó, đã có hơn 20 nghìn trường hợp được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp qua hồ sơ điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia.