Bệnh tay chân miệng vào mùa: Có ca nặng phải thở máy

TPO - Ngày 9/8, BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi Đồng 1 chia sẻ thông tin, bệnh tay chân miệng (TCM) đang vào mùa, kéo dài từ 1 đến 2 tháng tới đây. Dự kiến, phải đến tháng 11 mới giảm bớt. Tuy số ca nhập viện không quá nhiều nhưng bắt đầu có những ca nặng, buộc phải thở máy.
BS BV Nhi Đồng 1 đang điều trị cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng.

Khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi Đồng 1 đang có hơn 50 trẻ điều trị nội trú  do TCM, vào mùa có khi lên tới 60 trẻ. Trong đó lúc nào cũng có vài ca nặng. Theo BS Khanh, phụ huynh đã biết và có những kiến thức cơ bản về TCM cũng như cách phòng ngừa. “Khoảng 90% bệnh nhi có thể được điều trị ngoại trú tại nhà. Khi điều trị tại nhà, cần lưu ý khi bé sốt cao quá 2 ngày, sốt cao khó hạ, có hiện tượng nôn ói… thì phụ huynh phải đưa bé đi khám ngay. Trường hợp có các triệu chứng nặng hơn như giật mình, yếu tay chân, da nổi bông, khó thở… thì phải đưa trẻ nhập viện lập tức, vì bệnh có thể bệnh đang diễn tiến nặng. Những bé bị biến chứng nặng thường do cơ địa, do chủng virus mắc phải hay do quá nhỏ tuổi, càng nhỏ tuổi  càng nguy hiểm” – BS Khanh nhận định.

Nếu trẻ bị TCM, tốt nhất không nên xức gì cho trẻ hết, chỉ cần tắm rửa bình thường thì da sẽ tự lành. Nhiều phụ huynh đưa con đi khám với thân hình… tím ngắt màu Xanh Methylene (một loại thuốc bôi da, có tác dụng kháng khuẩn tốt, phổ biến và an toàn cho trẻ nhỏ, hay được chỉ định cho một số bệnh có tổn thương, nhiễm trùng da như thủy đậu). Như vậy không những không có tác dụng gì mà còn cản trở việc chẩn đoán của bác sĩ. 

Theo BS Khanh, chỉ có miệng đau là có thể dùng thuốc rơ, rơ miệng cho trẻ giúp giảm đau. Phụ huynh cần hỏi ý kiến BS để mua thuốc rơ an toàn, tránh dùng thuốc rơ có thành phần thuốc tê rất nguy hiểm khi dùng cho trẻ.

Trẻ bị TCM cần tránh thức ăn cay, nóng; chỉ dùng thức ăn lỏng. Sữa pha xong nên để ngăn mát cho trẻ dễ uống.

Các chuyên gia y tế cho rằng, việc phòng ngừa TCM rất quan trọng. Thường xuyên rửa tay cho cả người lớn và trẻ em. Nếu trẻ mắc TCM, phải cho nghỉ học ngay và theo dõi tại nhà; báo với nhà trường, cô giáo để vệ sinh trường lớp, tránh lây bệnh cho trẻ khác.