Theo Reuters, cuộc họp có sự tham gia của nhóm Cố vấn Chiến lược và Kỹ thuật về Các mối nguy truyền nhiễm có khả năng gây ra dịch và đại dịch (STAG-IH). Đây là nhóm tư vấn về các nguy cơ lây nhiễm có thể đe dọa sức khỏe toàn cầu.
Trong đợt bùng phát được mô tả là "lớn nhất ở châu Âu từ trước đến nay", các ca mắc và nghi mắc đậu mùa khỉ đã được báo cáo ở ít nhất 9 quốc gia - Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh, cũng như Mỹ, Canada và Úc.
Tây Ban Nha đã ghi nhận 24 ca bệnh mới hôm 20/5, chủ yếu ở khu vực Madrid, buộc chính quyền địa phương phải đóng cửa một phòng tắm hơi có liên quan đến phần lớn các ca bệnh.
Một bệnh viện ở Israel cũng đang điều trị cho một người đàn ông khoảng 30 tuổi đến từ Tây Âu có các triệu chứng giống đậu mùa khỉ.
"Đây là đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ lớn nhất và lan rộng nhất mà châu Âu từng ghi nhận", cơ quan y tế Đức nhận định sau khi nước này báo cáo ca bệnh đầu tiên hôm 20/5.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không cho rằng đợt bùng phát lần này sẽ tiến triển thành đại dịch như COVID-19, do virus đậu mùa khỉ không lây lan dễ dàng như SARS-CoV-2.
"Đối với người dân ở thời điểm này, dường như rủi ro vẫn tương đối thấp", một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết.
Lây lan trong cộng đồng
Fabian Leendertz, từ Viện Robert Koch (Đức) nhận định bệnh đậu mùa khỉ đang bùng phát thành dịch.
"Tuy nhiên, rất ít khả năng đợt dịch này sẽ kéo dài. Các ca bệnh có thể được cách ly một cách hiệu quả thông qua truy vết. Và cũng có các loại thuốc, vắc xin có thể được sử dụng nếu cần thiết", ông Leendertz nói.
Theo WHO, hiện chưa có vắc xin đặc hiệu cho bệnh đậu mùa khỉ, nhưng dữ liệu cho thấy các loại vắc xin sử dụng để phòng ngừa bệnh đậu mùa có hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ lên tới 85%.
Giới chức Anh cho biết một số nhân viên y tế và những người khác có nguy cơ phơi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đã được tiêm vắc xin.
Bệnh đậu mùa ở khỉ có những điểm tương đồng với bệnh đậu mùa và thủy đậu – một căn bệnh phổ biến ở trẻ em. Bệnh có các triệu chứng giống cúm bao gồm sốt, đau đầu, đau cơ và sung hạch bạch huyết. Sau đó, các nốt ban sẽ nổi trên mặt và lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Dù không có thuốc đặc trị, nhưng bệnh đậu mùa khỉ thường gây ra những triệu chứng nhẹ và người bệnh sẽ hồi phục trong vài tuần. Tỷ lệ tử vong của căn bệnh này là khoảng 10%, theo WHO.
Có 2 chủng đậu mùa khỉ, một chủng ở Tây Phi và một chủng ở Trung Phi. Đợt bùng phát đậu mùa mới đây được cho là gây ra bởi chủng Tây Phi nhẹ hơn.
Tuy nhiên, virus đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở nhiều người không đến châu Phi trong thời gian gần đây. Do đó, nguyên nhân của đợt bùng phát lần này vẫn chưa rõ ràng, mặc dù các cơ quan y tế cho rằng có khả năng virus đã lây lan trong cộng đồng ở một mức độ nào đó.
Virus đậu mùa khỉ rất khó lây lan, chủ yếu do tiếp xúc với chất lỏng và vết loét của cơ thể, quần áo bị nhiễm virus hoặc tiếp xúc trực tiếp thời gian dài dẫn đến lây nhiễm qua giọt bắn đường hô hấp.
Người đứng đầu khu vực châu Âu của WHO cho biết cơ quan này lo ngại rằng tình trạng lây lan có thể gia tăng khi mọi người tụ tập tiệc tùng và tham gia các lễ hội trong những tháng mùa hè.
Lây qua đường tình dục?
Theo WHO, có một điểm bất thường liên quan đến đợt bùng phát đậu mùa khỉ mới nhất, đó là nhiều ca bệnh không có tiền sử dịch tễ đến các khu vực virus đang lưu hành, và hầu hết các ca bệnh được phát hiện thông qua các dịch vụ sức khỏe tình dục.
Cơ quan An ninh Y tế Anh cho biết các trường hợp mắc đậu mùa khỉ mới phát hiện ở nước này chủ yếu là những người đồng tính nam, lưỡng tính hoặc nam quan hệ tình dục đồng giới.
Bồ Đào Nha đã phát hiện thêm 9 ca bệnh vào thứ Sáu, nâng tổng số lên 23 ca bệnh. Trong đó có ít nhất 14 ca bệnh được phát hiện tại các phòng khám sức khỏe tình dục, và là nam giới từ 20 đến 40 tuổi tự nhận là đồng tính nam, lưỡng tính hoặc nam quan hệ tình dục đồng giới.
Alessio D'Amato, quan chức y tế vùng Lazio, Ý, cho biết hiện còn quá sớm để khẳng định căn bệnh này có chuyển thành bệnh lây truyền qua đường tình dục hay không.
"Giả thuyết virus có thể lây truyền qua đường tình dục, theo tôi, là hơi xa vời", Stuart Neil - giáo sư dịch tễ học tại trường King's College London nhận định.