Bến cảng đầu tiên đón đồng bào Miền Nam tập kết - Bài 3

TP - Sau khi đón đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc tại bến Sầm Sơn (nay gọi là cảng Lạch Hới - Sầm Sơn), lần lượt hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Miền Nam di chuyển tới các địa phương khác ở nhiều tỉnh Miền Bắc tham gia quân đội, phát triển kinh tế.

>> Bài 2: Một lần đến, một đời yêu

Hàng trăm học sinh Miền Nam (độ tuổi từ 12 đến 15) những ngày đầu ra Bắc đã lưu lại Thanh Hóa học tập, rèn luyện từ năm 1954 đến hết năm 1955.

Tại Thanh Hóa lúc bấy giờ có các trường số 3, số 5, số 7, số 9 ở các xã Quảng Giao, Quảng Hải, Quảng Ngọc (huyện Quảng Xương) trực tiếp dạy dỗ, chăm sóc khoảng gần 800 học sinh Miền Nam.

Hai trong số hàng chục thầy giáo xứ Thanh dạy học sinh Miền Nam cách đây 55 năm vẫn còn sống tại quê nhà.

Các thầy giáo thăm lại bến cảng Sầm Sơn năm xưa đón đồng bào Miền Nam tập kết - Ảnh: Hoàng Lam

Trong một buổi sáng tháng Bảy lác đác mưa, chúng tôi về xã Quảng Hùng, huyện Quảng Xương gặp ông Lê Vạn Phiên (sinh năm 1928) nguyên giáo viên dạy học sinh Miền Nam ở Trường số 3 (đặt tại xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương ngày nay).

Thầy giáo Lê Vạn Phiên nhớ về những ngày tháng không thể nào quên kể chuyện với P.V

Ông Phiên còn khỏe, minh mẫn và hài hước khi trò chuyện với chúng tôi. Ông nhớ lại: “Tháng 7/1954, chúng tôi nhận được lệnh của Ty Giáo dục Thanh Hóa là xây dựng cơ sở vật chất tại các xã Quảng Giao, Quảng Ngọc, Quảng Hải để đón học sinh miền Nam tập kết ra Bắc về học tập, rèn luyện.

Suốt nhiều tháng trời, các thầy giáo của Ty Giáo dục phối hợp với chính quyền, dân địa phương nhanh chóng dựng các phòng học tranh tre, nứa lá, trát vách phòng học bằng bùn ao trộn rơm khô để kịp đón học sinh Miền Nam.

Ngày 15/10/1954, cùng với nhân dân Sầm Sơn, các thầy giáo cũng xuống bến Sầm Sơn đón, bế từng em từ cửa biển vào lán trại nghỉ tạm, rồi sau đó đưa về các trường theo lịch đã phân công.

Những ngày đầu thầy trò làm quen, sau đó các em gọi chúng tôi là chú, xưng con. Những ngày tháng ấy là kỷ niệm không thể nào quên trong đời tôi...”.

Cũng như ông Phiên và nhiều thầy giáo khác, ông Đàm Lê Cẩn (sinh năm 1929) - giáo viên dạy học sinh Miền Nam tại Trường số 9 (tại xã Quảng Ngọc ngày nay) những ngày đó chưa lập gia đình, nên các thầy dành hết thời gian, tâm huyết cho học sinh Miền Nam.

Ông Cẩn tâm sự: “Ngày đó, chúng tôi tiếp đón các em học sinh và đồng bào Miền Nam trong không khí nhộn nhịp, ấm tình ruột thịt. Cùng với chúng tôi, những người được giao nhiệm vụ đón các em học sinh Miền Nam đều đồng thanh hát bài Kết đoàn, hô vang khẩu hiệu Hòa bình ở Việt Nam, đả đảo chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp, khi đưa các em về trường.

Trường số 9 ở xã Quảng Ngọc ngày đó có gần 200 học sinh Miền Nam theo học. Việc lựa chọn thầy để dạy cho học sinh Miền Nam cũng khá đặc biệt. Các thầy giáo phải biết tất cả các môn thể dục- thể thao, văn nghệ...

Mỗi buổi tối, chúng tôi thường tổ chức văn nghệ, ca hát cho các em học sinh nghe để các em vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ ba mẹ.

Một kỷ niệm khiến tôi còn nhớ mãi là có lần, một đồng chí cán bộ từ xa về, vào tận trường thăm con mình trước sự chứng kiến của những học trò khác. Sau khi người cán bộ đó rời trường, tất cả các học sinh khác yêu cầu nhà trường phải cho gặp ba mẹ.

Vậy là chúng tôi phải dỗ dành, làm công tác tư tưởng cho các em mất mấy ngày để các em yên tâm học tập...”.

Những hạt giống đỏ

Tuy có thời gian học tại Thanh Hóa khá ngắn, nhưng buổi chia tay vào một ngày đầu năm 1956 giữa thầy trò ở các trường có học sinh Miền Nam học tập tại Quảng Xương lúc bấy giờ rất bịn rịn.

 “Lúc các em lên ô tô, nhiều em khóc như mưa, cứ đòi thầy Cẩn, thầy Phiên, thầy Đạt đi cùng. Cuộc chia tay mau lẹ khiến những năm tháng sau này, các thầy giáo xứ Thanh vẫn bùi ngùi. Nhiều học trò, trong dịp lễ, tết hằng năm vẫn tìm về và liên lạc với thầy giáo cũ, nhắc lại ký ức xưa.

Sau 50 năm, đến tháng 10/2004, tại cuộc gặp mặt của các học sinh Miền Nam trên đất Bắc, tổ chức ở TP Hải Phòng, thầy Bắc, trò Nam mới có dịp gặp lại, vui mừng khôn xiết. Mãi đến lúc đó tôi mới biết có một học trò cũ của mình sau này là nhà báo Đức Lượng - nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân.

Nhiều học trò của chúng tôi ngày đó được Đảng, Bác Hồ đặt niềm tin, gọi là những hạt giống đỏ đã trưởng thành, đảm nhiệm các cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước và trở thành lãnh đạo của nhiều tỉnh phía Nam” - Ông Đàm Lê Cẩn bùi ngùi nhớ lại.

Được biết, năm nay những hạt giống đỏ của Miền Nam năm xưa sẽ có cuộc gặp mặt tại tỉnh Quảng Ngãi. Đây là hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc và Ngày thành lập các trường học sinh Miền Nam trên đất Bắc.

“Chúng tôi tuổi cao, sức yếu nên mong được gặp học trò cũ nơi Miền Nam ruột thịt một lần nữa. Chúng tôi thật sự vui mừng khi học trò của mình thành đạt.

Chúc các em học sinh Miền Nam -  những hạt giống đỏ được ươm mầm, bồi dưỡng, học tập và rèn luyện trên đất Bắc trước kia, nay tiếp tục phát huy hào khí cách mạng, làm rạng đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển...”- Hai thầy giáo già ở xứ Thanh mong muốn.