Bé được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, chẩn đoán tăng men gan, suy giảm chức năng thận. Sau gần một tuần điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), sức khỏe của trẻ đã ổn định và có thể xuất viện.
Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi của bệnh viện, bé may mắn được phát hiện sớm tình trạng tăng men gan, suy giảm chức năng thận nên điều trị kịp thời. Nếu vẫn tiếp tục sử dụng thuốc lá, men gan ngày càng tăng, chức năng thận suy sẽ đe dọa sức khỏe của bé.
Hai loại lá cây được gia đình dùng để chữa tiêu chảy cho trẻ. Ảnh: N.Phương.
Người nhà cho biết, một tuần trước khi vào viện, trẻ đi ngoài phân lỏng 5-6 lần một ngày, có ít nhầy, ăn ngủ bình thường. Quá sốt ruột với tình trạng đi ngoài của con, theo lời mách của người làng, gia đình đã đi hái nhiều loại lá về đun nước cho con uống.
Sau 2 ngày uống một loại lá không đỡ, gia đình chuyển sang loại lá khác được sao vàng, hạ thổ đun nước uống kèm thêm một loại thuốc bột của thầy lang. Tuy nhiên, tình trạng đi ngoài vẫn không khá hơn. Đến ngày thứ 6, bé được cho uống thuốc tây, gồm cả kháng sinh để chữa tiêu chảy. Khi bé bắt đầu có biểu hiện ngủ li bì, bỏ bú nên gia đình mới vội đưa con đi viện.
Kết quả xét nghiệm khi trẻ nhập viện cho thấy, men gan tăng, chức năng thận bị suy giảm, nhiều khả năng do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Khoa Nhi cũng đã gửi mẫu lá này sang khoa Đông y, Bệnh viện Bạch Mai, nhưng cũng không thể định danh vì không có trong danh mục thuốc đông y.
Bác sĩ khuyến cáo, đa phần trẻ nhỏ đi ngoài 5-6 lần một ngày mà vẫn ăn, ngủ tốt, lên cân thì đó hoàn toàn là sinh lý bình thường, qua giai đoạn 6 tháng bú sữa mẹ sẽ dần ổn định. Vì thế cha mẹ không nên quá lo lắng mà tìm mọi cách “cầm” tiêu chảy.
Trước đây, khoa cũng từng điều trị cho một bé ở Vĩnh Phúc bị đi ngoài bọt 5-6 lần mỗi ngày, được gia đình cho uống thuốc cam liên tục 3 ngày để chữa tiêu chảy. Đến khi nhập viện vì viêm phổi, các bác sĩ phát hiện trẻ bị ngộ độc chì.
Phương Trang
* Tên nhân vật đã được thay đổi.