Lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại

Bất thường một khoản nợ công: Lỗi của chủ đầu tư?

TP - Trước câu chuyện bất thường một khoản nợ công gần 100 tỷ đồng vay ưu đãi ODA không hiểu tại sao được giải ngân trực tiếp cho Tổng Cty Đường sắt (VNR), PV Tiền Phong đã có cuộc tiếp xúc với ông Hoàng Hải - Cục phó Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính). Ngay khi gặp mặt, ông Hải khẳng định: Đó là lỗi của chủ đầu tư (?).
Vụ tai nạn đường sắt ngày 24/5 ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa khiến 12 người thương vong. Ảnh: Hoàng Lam.

Phản ứng

Cuộc gặp dường như căng thẳng ngay từ đầu khi ông Hải nói luôn một mạch các quan điểm khi PV chưa kịp đề cập tới câu hỏi. Ông nói: “Tôi muốn trao đổi 3 điểm liên quan đến bài báo của Tiền Phong. Trước hết, liên quan đến máy móc, đề nghị các anh liên hệ với VNR, tôi nghĩ họ sẽ có trao đổi lại. Thứ 2, về vấn đề quản lý nợ, Tiền Phong có nêu “Bộ Tài chính không biết”, “ngỡ ngàng”, tôi cho rằng, quan điểm này của báo không hợp lý.

Nói chúng tôi không biết là không đúng. Chúng tôi biết rất rõ việc VNR đã được giải ngân tiền. Chúng tôi đã nhận được thông báo từ ngân hàng tài trợ sắp sửa rót vốn. Như vậy, không có chuyện chúng tôi không biết việc giải ngân. Tất nhiên, ai đúng ai sai trong chuyện này hạ hồi sẽ phân giải. Chính vì chúng tôi biết câu chuyện này nên mới đề nghị VNR báo cáo lại Bộ Tài chính để báo cáo lên Chính phủ xem xét phương án xử lý.

Ông Hải tiếp lời: “Khi phát hiện VNR sai, chúng tôi đã thông báo yêu cầu VNR phải giải trình, chịu trách nhiệm”... Tôi rất ngạc nhiên bởi nếu Tiền Phong trao đổi trước, lúc đó sẽ xác định rõ trách nhiệm của ai và ở đâu, phản ánh khách quan thực trạng vấn đề (vị này không biết PV Tiền Phong đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Cục Quản lý nợ, nhưng đều bị khất lần).

Với bài viết của Tiền Phong, chúng tôi đang cân nhắc báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính làm công văn yêu cầu báo đính chính hay không vì chưa phản ánh đúng trách nhiệm của Bộ Tài chính. Tôi chưa đề cập đến hiệu quả của máy móc, đường ray. Thế nhưng, với trách nhiệm của mình, chúng tôi đã làm đúng quy định”.

Các PV Tiền Phong kiên nhẫn nghe hết những phản ứng của ông Hải và sau đó chỉ đề cập những câu hỏi mà bạn đọc quan tâm tới sự bất thường của khoản vay gần 100 tỷ đồng từ nước ngoài.

Chỉ có lỗi của chủ đầu tư

Ông nghĩ thế nào khi ký văn bản quy trách nhiệm cho VNR, thưa ông?

 Cảm nghĩ gì nhỉ? Tôi không có cảm nghĩ gì cả. Tôi hoạt động theo nguyên tắc, quy chế công việc, không bao giờ để cảm nghĩ đan xen vào công việc. Khi chúng tôi nhận được thông tin VNR giải ngân chưa đúng quy định, lập tức Bộ Tài chính đã có công văn thông báo, yêu cầu VNR phải phối hợp thẩm định, cho vay lại theo đúng quy định.

Như vậy đã hết trách nhiệm chưa khi để cho một khoản tiền vay ODA giải ngân về rồi Bộ Tài chính mới phát văn bản chỉ đạo thì sao gọi là giám sát, gác cửa, thưa ông?

Tôi đề nghị anh đọc lại quy định, bởi Bộ Tài chính không có trách nhiệm tham gia thẩm định giá thiết bị, máy móc. Chúng tôi chỉ có vai trò quản lý về mặt tài chính để hướng dẫn các bên thực hiện đúng quy định. Còn giá đấu thầu như thế nào là trách nhiệm thuộc về chủ dự án (VNR). Việc này đã quy định rất rõ trong văn bản quy phạm pháp luật. Chưa bao giờ quy định chúng tôi có trách nhiệm tham gia việc thẩm định giá cao hay thấp. Trách nhiệm này thuộc về chủ dự án.

Tôi làm sao biết được hiệu quả hoạt động của 2 chiếc máy kiểm tra chất lượng cầu đường mà VNR mua về như thế nào? Với 2 máy này, trách nhiệm giải trình chất lượng hoạt động, hiệu quả hay không thuộc về VNR, không phải Bộ Tài chính. Khoản vay và đầu tư máy móc như thế nào là trách nhiệm của VNR; Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu thẩm định dự án, chủ trương đầu tư, báo cáo Thủ tướng xin phê duyệt dự án. Bộ Tài chính chỉ nghiên cứu việc giải ngân đã đúng hay chưa.

Không phải trách nhiệm của Bộ Tài chính

Vậy ông nghĩ trách nhiệm thuộc về ai khi để một khoản vay lớn từ nước ngoài lọt về, máy móc đã hoạt động?

Không phải trách nhiệm của Bộ Tài chính.

Thế trách nhiệm của ai, thưa ông?

Bộ Tài chính không có trách nhiệm thẩm định giá.

Chúng tôi chỉ đề cập về khoản vay đã được giải ngân, về Việt Nam thôi thưa ông?

Tôi chưa hiểu câu hỏi của anh là gì? Chúng tôi đã có công văn gửi VNR và nói rõ họ phải có trách nhiệm khi để giải ngân cho dự án không đúng quy định.

Như vậy Bộ Tài chính đứng ngoài  vụ này?

Chúng tôi đã làm rất đủ trách nhiệm.

Là người chuyên trách quản lý nợ, vậy những khoản vay khác hiện ra sao, thưa ông?  

Tôi đảm bảo hướng dẫn thực hiện đúng quy định. Trường hợp chủ dự án làm sai, Bộ Tài chính sẽ thông báo chủ dự án biết sai và họ phải chịu trách nhiệm. Trường hợp Bộ Tài chính làm sai, đương nhiên Bộ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tôi khẳng định, trong mọi trường hợp, chúng tôi đều đúng. Trường hợp nào sai, chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ Tài chính. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Còn nếu chúng tôi không làm sai thì không thể nói chúng tôi sai.

Ai kiểm soát?

Ông có thể cho chúng tôi được rõ hơn, các ông kiểm soát ở giai đoạn nào? Hay khi tiền giải ngân về rồi, mới kiểm tra và phát văn bản cho VNR?

Ông Nguyễn Hoàng Lâm - Trưởng phòng Song phương 1, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại: Các anh đã trích dẫn được Thông tư chứng tỏ đã nghiên cứu kỹ thông tư rồi. Trong trường hợp của VNR, thông tư quy định phải kiểm soát chi trước (tức kiểm soát trước khi giải ngân), nhưng ở đây họ giải ngân rồi chúng tôi mới biết. Do đó, họ (tức VNR) đã vi phạm.

Tại sao Bộ Tài chính biết trước khi tiền về mà không ngăn chặn, hoặc có ý kiến ngay từ lúc đó, thưa ông?

Làm sao mình chặn được, bởi họ làm theo hình thức của họ. Họ chuyển theo hình thức tín dụng làm sao mình chặn được.

Về nguyên tắc, các ông phải có ý kiến chứ?

Ông Hoàng Hải: Ở đây phải căn cứ theo các điều ước quốc tế, cam kết pháp luật. Căn cứ vào hiệp định vay giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Áo, có quy định giải ngân qua hình thức tín dụng. Chúng tôi đã yêu cầu chủ dự án có trách nhiệm giải trình về dự án. Nếu chúng tôi làm sai thì chúng tôi sẽ có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ, xin chịu trách nhiệm. Còn quy định của pháp luật về quản lý tài chính như thế nào, chúng tôi làm theo như thế.

Thế tiền giải ngân về bao lâu các ông mới có văn bản yêu cầu VNR giải trình?

Trước khi tiền đang chuẩn bị giải ngân về, chúng tôi đã có thông báo VNR phải giải trình.

Trong văn bản, các ông yêu cầu VNR phải báo cáo trước 30/5/2017. Đến nay, báo cáo ra sao, họ có nhận lỗi không?

Việc này chúng tôi sẽ xử lý với VNR. Do chưa hoàn thành nên chúng tôi chưa có công văn cuối cùng để báo cáo Chính phủ. Sau khi có báo cáo cuối cùng gửi Chính phủ, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi sẽ có hình thức xử lý với VNR.

Cảm ơn các ông!

Khi liên tiếp 5 vụ tai nạn đường sắt xảy ra, nhiều người mới nhớ tới VNR vay một khoản ODA gần 100 tỷ đồng (hơn 6,3 triệu euro) để mua 2 chiếc máy được thuyết minh “đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu”. Điều lạ là, khoản vay này được rót trực tiếp từ ngân hàng Áo về VNR không đúng quy định.