Tiếp bài “Cát tặc núp bóng “nạo vét” dòng chảy”:

Bát nháo phương tiện khai thác, vận chuyển

TP - Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng, nhiều phương tiện khai thác và vận chuyển cát trên sông Hồng, sông Đuống đều không được đăng kiểm theo quy định, không đủ tiêu chuẩn hoạt động. Ngoài ra, các xe tải vận chuyển cát, sỏi đều ở tình trạng quá tải khi lưu thông trên bờ đê.
Phương tiện khai thác cát trên sông Hồng bị tạm giữ. Ảnh: MĐ- LD

Các phương tiện không đủ điều kiện

Sau khi báo Tiền Phong đăng loạt bài “Cát tặc núp bóng ‘nạo vét’ dòng chảy”, ngày 15/4, gần 90 hộ dân sinh sống tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội tiếp tục gửi đơn tố cáo việc cát tặc hoành hành trên địa bàn, khiến cuộc sống của hộ luôn thấp thỏm trước “miệng hà bá”. Ngoài ra các hộ dân trên tố cáo năm 2004, toàn bộ khu ruộng của họ bị biến thành bãi tập kết cát, UBND xã Phù Đồng hứa hẹn chia ruộng nơi khác.

Thượng tá Lê Văn Nghiêm - Đội trưởng Cảnh sát Kinh tế - Công an huyện Gia Lâm cho biết, cách đây chừng 2 tháng, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Giang Linh (Cty Giang Linh) có gửi văn bản tới công an huyện với nội dung tiến hành khảo sát. Cty Giang Linh hoạt động được chừng nửa tháng, người dân xã Phù Đổng gửi đơn tố giác các tàu của Cty này khai thác cát sát bờ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

 Ngay sau đó, Công an huyện Gia Lâm đã tiến hành kiểm tra và cho thấy, các khu vực được cho là nơi Cty Giang Linh được phép khai thác, nạo vét, công ty đều không cắm mốc, treo phao theo quy định. Điều đáng nói là cả 3 tàu khai thác cát đều không có giấy tờ, không đăng kiểm theo quy định và không đủ tiêu chuẩn khai thác, lưu thông. Chính vì thế, Công an huyện Gia Lâm đã xử phạt và tạm giữ 3 chiếc tàu trên.

Thượng tá Nghiêm nhấn mạnh, Công an huyện sẽ quyết tâm quét sạch nạn cát tặc hoạt động trên địa bàn khu vực sông Đuống giáp danh với huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh dù biết sẽ gặp không ít khó khăn.

Trước đó, ngày 13/4, ông Hoàng Minh Toàn, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) lại khẳng định Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Giang Linh cùng Công ty TNHH Thương mại Vương Tiến đều được cấp phép và đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ cắm mốc, treo phao đi vào khai thác theo quy định.

Ông Toàn khẳng định, cho đến thời điểm hiện tại, ở khu vực sông Hồng mới có 2 đơn vị được cấp phép khai thác, nhưng chưa thực hiện các nghĩa vụ liên quan nên chưa đủ điều kiện hoạt động. Cũng theo ông Toàn, quá trình kiểm tra cho thấy, các phương tiện hoạt động khai thác cát đều không được đăng kiểm theo quy định. Ngày 14/4, PV đề nghị ông Toàn cung cấp danh sách số hiệu tàu khai thác, vận chuyển nhưng ông này hẹn trả lời sau.

Nguy cơ phá nát mặt đê

Ghi nhận của PV cho thấy, dọc theo tuyến đê sông Đuống thuộc địa bàn xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh là đại công trường tập kết cát, sỏi kéo dài tới vài km. Các thiết bị hút, cẩu, xe tải hoạt động ầm ầm cả ngày lẫn đêm, các loại xe tải tải trọng lớn chở cát, sỏi rầm rầm phá nát mặt đê tại khu vực xã Cảnh Hưng. Khi PV phản ánh việc xe quá tải chạy trên đê, một cán bộ thuộc Công an huyện Tiên Du được tăng cường xuống xã Cảnh Hưng cho rằng, đây không phải là nhiệm vụ của anh ta...

Vào ngày 16/4, chúng tôi được ông Nguyễn Mạnh Cường – Trưởng phòng Hạ tầng (Cục Đường thuỷ nội địa) đưa đi thị sát khu vực sông Đuống phát hiện 3 tàu đang cắm vòi hút cát sát bờ thuộc địa bàn huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh, nhưng không xử lý được. Ông Cường lý giải về việc “bất lực” trước cát tặc là do không có phương tiện, và việc này chỉ có công an mới làm được.