Bát nháo nạo vét hồ thủy lợi: Bất lực chặn khai thác cát trái phép

TP - Sau khi doanh nghiệp thực hiện dự án nạo vét để lấy đất cát, nhiều hồ thuỷ lợi ở tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa đã bị đào bới tan nát. Nhiều người dân còn đưa máy móc vào đào trộm đất cát đưa đi bán khi việc quản lý hồ thuỷ lợi bị buông lỏng.

“Cát tặc” băm nát hồ thuỷ lợi

Lợi dụng các hồ chứa thủy lợi cạn nước do khô hạn, nhiều đối tượng đã “đục khoét” lòng hồ Lanh Ra (xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) để khai thác cát trái phép. Khi chúng tôi có mặt tại đây vào tháng 10/2024, lòng hồ Lanh Ra đã cạn trơ đáy dù mới vào mùa khô. Tại bờ hữu đập Lanh Ra, lòng hồ bị cày xới nham nhở do máy múc cát trái phép của người dân.

Khi mực nước hồ chạm đáy, một số người ở xã Phước Vinh đưa máy móc, xe cơ giới vào khai thác cát cả ngày lẫn đêm. Nhiều người dân địa phương cho biết, xe tải trọng nhỏ chở cát từ hồ Lanh Ra phục vụ nhu cầu xây dựng tại chỗ, còn xe tải trọng lớn thường vận chuyển cát phục vụ nhu cầu xây dựng khắp huyện Ninh Phước.

“Cát tặc” ngang nhiên nạo vét cát đầu nguồn hồ thuỷ lợi Cam Ranh năm 2020

Ông Nguyễn Công Xưng - Chủ tịch Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận (viết tắt Cty Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận) cho biết, trước đây, tại hồ Lanh Ra có một số dự án nạo vét được cấp phép do Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ BBC Việt Nam thực hiện. Nhưng đến thời điểm này, hoạt động nạo vét của các đơn vị đã dừng vì hết thời gian được cấp phép. Toàn bộ các điểm khai thác cát trong trong hồ Lanh Ra hiện nay đều trái pháp luật, do người dân những xã lân cận các hồ thủy lợi đến khai thác.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của đơn vị quản lý hồ thủy lợi trong việc ngăn chặn các đối tượng khai thác cát trái phép tại hồ Lanh Ra, ông Xưng trần tình, ngày nào nhân viên quản lý, bảo vệ hồ cũng đi kiểm tra, phát hiện hoạt động khai thác cát trái phép trong lòng hồ nhưng không xử lý được, lập biên bản ngăn chặn thì các đối tượng có thái độ chống đối và tiếp tục khai thác vào buổi đêm, rất khó quản lý. Bất lực trong việc ngăn chặn các đối tượng vi phạm, Cty Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận liên tục có công văn gửi UBND huyện Ninh Phước đề nghị phối hợp, giúp đỡ Cty xử lý việc khai thác đất, cát trái phép trong lòng hồ Lanh Ra.

Theo ông Xưng, hoạt động khai thác cát trái phép trong phạm vi lòng hồ Lanh Ra thời gian qua vi phạm nghiêm trọng Luật Thủy lợi, ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý an toàn đập và hồ chứa. Việc các đối tượng liên tục khuấy đảo đáy hồ để khai thác đất cát trái phép còn khiến cho chất lượng nguồn nước thô cung cấp cho các đơn vị sử dụng nước trên địa bàn bị ô nhiễm nghiêm trọng.

“Muốn kiểm tra, xử phạt hoạt động khai thác cát trái phép tại Lanh Ra, đơn vị chúng tôi phải gửi công văn cho các xã đề nghị phối hợp để xử lý vì chúng tôi không có thẩm quyền xử phạt. Nhưng khi đoàn đến kiểm tra, các đối tượng khai thác cát đã ngầm báo cho nhau để 'án binh bất động' nên không thể bắt quả tang để xử phạt”, ông Xưng nói.

Hồ thuỷ lợi Bầu Zôn (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) bị đào xới nham nhở sau hoạt động nạo vét đất cát

Năm 2020, hồ thuỷ lợi Suối Dầu và Cam Ranh (ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) cũng bị “cát tặc” ngang nhiên đưa máy móc vào cày xới, múc cát trái phép và làm biến dạng lòng hồ. Tại khu vực đầu nguồn hồ thuỷ lợi Suối Dầu (thuộc xã Suối Cát và Suối Tân, huyện Cam Lâm), PV chứng kiến cảnh lòng hồ bị máy móc đào bới tan nát không khác gì ở hồ Cam Ranh. Tại lưu vực các con suối đổ xuống hồ, ghe hút cát và máy ủi hoạt động rầm rộ, ngang nhiên khai thác cát. Hai bên bờ suối bị máy móc khoét thành những vùng lõm sâu, có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào.

Trước tình trạng khai thác cát lậu tràn lan, Cty TNHH Khai thác công trình thuỷ lợi Khánh Hoà đã nhiều lần gửi công văn báo cáo và đề nghị UBND huyện Cam Lâm hỗ trợ kiểm tra xử lý dứt điểm việc khai thác đất, cát trái phép tại hai hồ thuỷ lợi này.

Khi PV hỏi vì sao việc khai thác cát trái phép tại 2 lòng hồ này diễn ra công khai mà Cty không xử lý, ông Nguyễn Văn Hùng (Phó văn phòng phụ trách Văn phòng đại diện Cam Lâm, thuộc Cty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Khánh Hoà) cho biết, đơn vị này chỉ có thẩm quyền kiểm tra, sau đó báo lại cho chính quyền địa phương xử lý.

Lúng túng đấu giá đất cát

Liên quan khó khăn khi xử lý đất cát từ nạo vét hồ thuỷ lợi, ngày 24/7/2024, Sở TN&MT Ninh Thuận có công văn số 3443 báo cáo UBND tỉnh: Đối với hoạt động nạo vét, pháp luật về khoáng sản hiện hành chỉ có quy định thủ tục đăng ký thu hồi khối lượng cát, sỏi là sản phẩm phát sinh từ dự án nạo vét khơi thông luồng lạch.

Ngoài ra, đối với trường hợp khối lượng đất, đá, cát phát sinh từ hoạt động nạo vét kênh mương, đập dâng, hồ thủy lợi thì pháp luật chưa có quy định, hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện như thế nào (cấp phép khai thác hay cho thu hồi hoặc tổ chức đấu giá sản phẩm nạo vét…).

Văn bản số 7689 ngày 19/12/2022 của Bộ TN&MT trả lời UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Theo quy định hiện hành thì khối lượng (đất, đá, cát) trong trường hợp này là “tài sản công” do Nhà nước thống nhất quản lý nên UBND tỉnh có thể xem xét tổ chức đấu giá khối lượng khoáng sản nêu trên theo quy định của pháp luật về đấu giá và quản lý tài sản công. Để làm rõ thêm cơ sở pháp lý, đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận lấy ý kiến của Bộ Tư pháp trước khi thực hiện”.

Để có cơ sở giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có các văn bản gửi xin ý kiến cơ quan Trung ương đề nghị hướng dẫn việc thu hồi sản phẩm từ hoạt động nạo vét lòng hồ thủy lợi, kênh mương, đập dâng… Theo trả lời của Bộ TN&MT và Cục Khoáng sản Việt Nam, ghi nhận đây là nội dung bất cập, hiện chưa có quy định cụ thể và sẽ được điều chỉnh, bổ sung trong quá trình xây dựng luật, nghị định mới về khoáng sản. Trên cơ sở đó, Sở TN&MT Ninh Thuận báo cáo, tham mưu UBND tỉnh này ban hành công văn số 2254 ngày 5/6/2023 chỉ đạo tạm dừng giải quyết việc thu hồi sản phẩm từ các hoạt động này cho đến khi có quy định của pháp luật hoặc có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Theo Sở TN&MT Ninh Thuận, đất, cát từ thi công nạo vét lòng hồ, kênh mương, đập dâng không thuộc khu vực quy hoạch khoáng sản nên không thuộc trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Hiện pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể việc xác định khối lượng khoáng sản có được từ việc thi công nạo vét hồ thủy lợi, kênh mương và đập dâng là tài sản công.

“Đây cũng là vấn đề vướng mắc, lúng túng trong quá trình nghiên cứu, tham mưu triển khai thực hiện của nhiều tỉnh, thành trong cả nước và hầu hết các tỉnh đang tạm dừng việc nạo vét các lòng hồ thủy lợi, thủy điện vì chưa có quy định xử lý sản phẩm sau nạo vét”, công văn 3443 của Sở TN&MT Ninh Thuận nêu rõ.