Sở dĩ bài hát được lựa chọn bởi đây là một ca khúc nói về thầy cô, lời lẽ chân thực giản dị “Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, có hạt bụi nào rơi bục giảng, có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy” cùng giai điệu giản dị, dễ nghe dễ hát….
Theo nhạc sỹ Lê Văn Lộc, nhân vật người thầy trong ca khúc Bụi phấn của ông chính là nhạc sỹ Trương Quang Lục. Lê Văn Lộc nhớ lại: Đó là thời điểm năm 1982, khi ông cùng một số nhạc sỹ trẻ tại TPHCM đi tham dự lớp sáng tác thực tế. Người hướng dẫn các nhạc sỹ trẻ là nhạc sỹ Trương Quang Lục - Tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như Vàm Cỏ Đông, Trái đất này là của chúng mình, Tuổi mười lăm, Hoa sen Tháp Mười... Trong một buổi hướng dẫn về thủ pháp phát triển nhạc, nhạc sĩTrương Quang Lục đã viết 3 đoạn nhạc lên bảng và sau đó ông ngồi xuống, diễn tấu minh họa trên cây đàn piano.
Nhạc sỹ Trương Quang Lục lúc sinh thời
Ngồi bên dưới, nhìn thấy dáng thầy gày gò cúi xuống cây đàn cùng bụi phấn vương trên tóc, Lê Văn Lộc đã cảm hứng”... Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi. Có hạt bụi nào, rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào vương trên tóc thầy. Em yêu phút giây này, tóc thầy như bạc thêm, để cho em bài học hay.” Lê Văn Lộc đã viết rất nhanh đoạt nhạc và sau đó xung phong lên hát cho thầy nghe. Sau khi Lộc hát xong đoạn nhạc, cả lớp vỗ tay khen ngợi, riêng nhạc sỹ Trương Quang Lục thì bảo: “Đây là đoạn nhạc có cảm xúc rất chân thật, nếu phát triển được thành ca khúc thì đó sẽ là một ca khúc hay”.
Sau đó, Lê Văn Lộc đã đưa đoạn nhạc đó cho nhạc sỹ Vũ Hoàng - một người bạn thân của mình xem. Vũ Hoàng đã xem và chỉnh sửa, viết thêm lời, đặt tên để đoạn nhạc trên trở thành ca khúc Bụi phấn.
Lê Văn Lộc bảo: “Anh Vũ Hoàng đã điều chỉnh nhạc, viết thêm lời để ca khúc trở lên ngọt ngào, mượt mà hơn. Anh ấy cũng viết thêm phần hòa âm để đoạt phát triển sáng sủa hơn để thành ca khúc như bây giờ”.
Ca khúc Bụi phấn
Ca khúc Bụi phấn ra đời đã nhanh chóng nhận được sự đón nhận của mọi người. Từ lần đầu tiên được 2.000 sinh viên Đại học Sư phạm TPHCM hát vào ngày 20/11/1982, tới nay đã có hàng trăm ca sỹ và hàng ngàn lượt chương trình không chỉ ngày 20/11 còn ở những ngày khai giảng, bế giảng… đều có sự hiện diện của Bụi phấn. Các chương trình ca nhạc tri ân thầy cô, các hội diễn văn nghệ của các trường học đều chọn Bụi phấn cho chương trình.
Nghe Bụi phấn qua giọng ca Ngọc Linh
Năm 2000, Bụi phấn được chọn vào danh sách “50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20” do báo Thiếu niên tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa giáo VTV, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Lê Văn Lộc cho biết: “Giờ đây thầy đã cao tuổi, tôi cũng bận bịu ít gặp được thầy nhưng mỗi khi nghe bài Bụi phấn, tôi lại nhớ đến thầy. Nhờ có thầy mà chúng tôi đã viết được ca khúc để đời. Nhưng trên hết, hình ảnh thầy đã hoá thân thành hàng vạn thầy cô vẫn miệt mài trên bục giảng để truyền thụ kiến thức cho học trò. Tôi tin thầy sẽ rất vui”.