Bật mí ảo thuật Sài Gòn

TP - Ảo thuật gia Palmas Nguyễn, Việt kiều Mỹ đã rất ngạc nhiên trước tình yêu ảo thuật của người TPHCM, anh nói: “Các bạn trẻ đam mê và thích khám phá. Tôi đã xây dựng và kết nối 2 câu lạc bộ ảo thuật quốc tế với các bạn tại đây”. Một liên hoan quốc tế về ảo thuật đã được tổ chức tại TPHCM trong năm 2019, đánh dấu một chặng đường quốc tế hóa một nghệ thuật này.
Ảo thuật gia trẻ Đinh Văn Hồ đang luyện tập tiết mục ảo thuật “cắt đầu người”. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Cha truyền con nối

Nghệ sĩ Mạc Can, đồng thời là một nhà văn. Ông nói: “Ảo thuật Sài Gòn có 2 nguồn gốc là châu Âu và Sơn Đông mãi võ. Phân biệt khá dễ, ảo thuật Sơn Đông mãi võ có tiết mục ảo thuật vòng, dây, còn ảo thuật từ phương Tây nổi bật với tiết mục chim bồ câu”. Một dòng khác đến từ miền Trung, nhất là ảo thuật Huế, cũng tham gia vào đời sống Sài Gòn.

Trong bộ phim “Ván bài lật ngửa”, Mạc Can đã diễn tiết mục “cắt đầu” để lên dĩa rất ấn tượng. Mạc Can nói: “Đạo diễn chỉ bảo với tôi là muốn có một tiết mục ảo thuật cho bộ phim này. Tôi ngẫm nghĩ và đã diễn tiết mục đó”.

Nữ ảo thuật gia Ngọc Tâm biểu diễn cho các cháu thiếu nhi xem. (Ảnh nhân vật cung cấp) 

Mạc Can đã viết trong cuốn “Tấm ván phóng dao” của ông. Ảo thuật, theo Mạc Can, thường gắn liền với xiếc. Những gia đình diễn xiếc và ảo thuật có tới mấy đời, sống lang bạt kỳ hồ nay đây mai đó, có những ngày tháng cơ cực, buồn rầu, phía sau tiếng cười của khán giả là những giọt nước mắt nghệ sĩ: “Chúng tôi hầu như không có tuổi thơ, vì mới là cô bé cậu bé tóc để chỏm đã bị gia đình bắt đi diễn, phải theo bố mẹ nay đây mai đó, muốn học hành như chúng bạn cũng không được” – Mạc Can nhớ lại.

Hiện nay, tới rạp xiếc và Thảo Cầm Viên, các bạn nhỏ thường được xem các tiết mục ảo thuật do nghệ sĩ Ngọc Tâm biểu diễn. Nữ ảo thuật gia nói: “Người thầy ảo thuật của tôi chính là bố. Trước kia, ảo thuật là một nghệ thuật rất bí hiểm, không truyền cho người ngoài, chỉ truyền cho con cháu, họ hàng. Những người thầy giỏi thì dấu nghề dữ lắm”.

Tự sản tự diễn

Nữ ảo thuật gia Ngọc Tâm sinh trưởng trong một gia đình có 5 người theo nghiệp xiếc và ảo thuật, chồng cô cũng là một diễn viên xiếc. “Trước kia, không có sách, không có tài liệu dạy về ảo thuật. Bố tôi dạy các tiết mục cho tôi, sau đó tôi phải nghiên cứu, kết hợp, sáng tạo để có những tiết mục không giống với người khác. Là thân con gái, tôi phải lo đạo cụ để diễn các tác phẩm lớn trên sân khấu, đó là chuyện không hề dễ dàng”.

Một cửa hàng bán đạo cụ ảo thuật tại TPHCM. Ảnh: T.N.A

Ngọc Tâm đã biểu diễn từ những năm 1990 trên tất cả các sân khấu lớn của thành phố, cô kể: “Tôi phải mày mò tự chế ra các đạo cụ, vì mua thì đắt đỏ, mà chúng dễ bị hư, mới diễn mấy lần đạo cụ đã hỏng rồi”. Trong một lần được mời diễn ảo thuật tại Đài Loan, Ngọc Tâm vắt óc suy nghĩ xem nên diễn tiết mục gì độc đáoViệt Nam. “Tôi chọn chủ đề hoa sen. Nhưng lúc ấy Việt Nam chưa có đạo cụ ảo thuật nào liên quan hoa sen cả. Tôi phải tự làm ra nhiều bông hoa sen có thể mở ra, thu lại dễ dàng. Tất cả làm thủ công từ vật liệu tự chế. Tiết mục của tôi được khán giả rất thích thú và ngạc nhiên”.

Hàng ngày, nữ ảo thuật gia đều luyện tập. Cô nuôi những đứa con và nuôi đàn chim bồ câu: “Tôi phải tự cho chim ăn mỗi ngày từ bé để chúng quen tay tôi. Khi biểu diễn chúng không bay đi mà quay về với tôi”. 

Tại TPHCM còn có những ảo thuật gia nuôi trăn để biểu diễn. Họ có thể làm “biến mất” những con trăn khổng lồ. Để trăn nằm yên, không manh động tấn công, các ảo thuật gia phải cho trăn ăn theo kiểu mớmtừ nhỏ. Họ banh miệng con trăn và nhét thức ăn cho nó nuốt, cứ như vậy suốt cuộc đời con trăn, làm nó quên đi bản năng hung dữ và vâng lời ảo thuật gia.

Đến chợ đạo cụ

Một thế giới phẳng đã giúp cho ảo thuật TPHCM tiến bộ nhanh. Ảo thuật gia Ngọc Tâm kể: “Trong liên hoan và hội chợ ảo thuật quốc tế mới đây tổ chức tại TPHCM, tôi đã mua được một số đạo cụ tốt. Tôi rất là mừng. Điều kiện để đi nước ngoài mua sắm đồ không phải dễ dàng”.

Ngọc Thành, sinh năm 1990, đã mở cửa hàng bán đạo cụ ảo thuật và bán online. Thành nói: “Em theo nghề ảo thuật 20 năm nay, nhưng thực tế chỉ 3 năm trở lại đây, phong trào ảo thuật mới thực sự bùng nổ. Lý do là đạo cụ được đưa về Việt Nam nhiều, các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận môn này”. Chỉ với một vài trăm ngàn, các bạn trẻ đã có thể có một đạo cụ, kèm theo hướng dẫn cách biểu diễn. Thành nói: “Ngày nay, vấn đề của các bạn là diễn như thế nào để cuốn hút người xem thôi”.

Theo Ngọc Thành: “Toàn TPHCM hiện có khoảng 100 ảo thuật gia, rải khắp các quận huyện. Các ảo thuật gia hiện nay phần nhiều trẻ, độ tuổi dưới 30. Họ sinh hoạt trong 2 câu lạc bộ ảo thuật và nhiều nhóm ảo thuật độc lập. Ảo thuật được biểu diễn trong các cuộc sinh nhật, đám cưới, những buổi tiệc, diễn ở quán cà phê, thậm chí trên đường phố”.

Thành và nhiều ảo thuật gia khác được mời tham dự các festival ảo thuật tại Singapore, Malaysia và nhiều nước khác. Mỗi lần tham dự, họ cố gắng mua thật nhiều đạo cụ đem về, đồng thời cũng bán cho các đồng nghiệp nhiều đạo cụ được làm từ Việt Nam. “Các cô chú đã giải nghệ không diễn nữa thì thường chuyển sang làm đạo cụ cung cấp cho thị trường. Đạo cụ Việt Nam làm rẻ chỉ bằng 1/3 giá quốc tế, rất nhiều ảo thuật gia các nước cũng tìm mua” – Thành cho biết.

Thông điệp của ảo thuật

Ảo thuật gia Đinh Văn Hồ kể: “Những ngày lễ cháy sô, hầu như những bạn biết diễn ảo thuật đều được các bầu sô gọi đi diễn. Đôi khi, chuẩn bị không kỹ lưỡng, thậm chí diễn chưa tốt, nhưng vẫn diễn, làm tiết mục bị hỏng”.

Tiết mục ảo thuật chim bồ câu là một ví dụ. Có hẳn một chợ bán chim cu Pháp dành cho các nhà ảo thuật mà họ không cần phải nuôi công phu như thế hệ nghệ sĩ trước kia. Nhưng nực cười là nhiều bạn diễn xong, chim chưa quen không khí sân khấu nên bay tuốt lên ngọn cây. Khán giả ồ lên, cứ xem chim trên cây, không xem ảo thuật nữa! Lại có bạn vì chưa giỏi nghề, dấu chim trong đạo cụ, khi lôi chim ra thì chim đã chết tự bao giờ!

Nữ ảo thuật gia Ngọc Tâm tâm sự: “Tôi nghe nhiều khán giả phản ảnh các ảo thuật gia trẻ khi diễn bị lộ tiết mục, diễn chưa hay, không hấp dẫn. Tôi khuyên các bạn nên tập luyện kỹ lưỡng nhiều lần trước lúc lên sân khấu. Nếu mới làm quen đạo cụ thì khoan biểu diễn nó”. Lão nghệ sĩ Mạc Can thì chia sẻ: “Tôi thích đưa hài vào ảo thuật. Đôi khi tôi bước ra sân khấu như một nghệ sĩ hài vậy”.

Nhà ảo thuật Việt Kiều Palmas Nguyễn cho biết: “Khi tôi học ảo thuật ở Mỹ, môn không thể thiếu là triết học. Ảo thuật phải làm cho khán giả giải trí, nhưng có suy nghĩ, có những liên tưởng, có chất thơ. Tôi thấy nhiều ảo thuật gia và người xem Việt Nam chỉ quan tâm đến trò khó trò dễ, trò lớn, trò nhỏ… mà chưa quan tâm tới những thông điệp mà tác phẩm đó đưa đến cho khán giả là gì”. Tuy vậy, Palmas Nguyễn cũng nhận xét: “Hiện nay, nhiều nghệ sĩ ảo thuật Việt đã quan tâm hơn tới nội dung thông điệp của tác phẩm, thay vì chỉ làm hết tiết mục này sang tiếc mục khác. Họ đã kể những câu chuyện và sự dẫn dắt các câu chuyện trên sân khấu thu hút khán giả và tăng sự giao lưu với khán giả”.

 

Nhà ảo thuật Việt Kiều Palmas Nguyễn nói: “Tôi đã mở 2 CLB ảo thuật là chi nhánh của hai tổ chức ảo thuật lớn của thế giới tại TPHCM. Rất nhiều ảo thuật gia trẻ tham gia. Chúng tôi đang tiếp tục đưa các bạn tại TPHCM đi thi đấu quốc tế. Ảo thuật Việt hiện đangphát triển gần như ngoài sức tưởng tượng của chính người trong nghề”.

Cháy sô

“Một thành phố có 100 nghệ sĩ diễn ảo thuật nhưng vào ngày lễ vẫn cháy sô như thường” – Ngọc Thành tiết lộ.

Nghệ sĩ kỳ cựu Ngọc Tâm cho biết: “Tháng 9 hàng năm rất sôi động vì nhiều ngày lễ kỷ niệm và khai giảng năm học mới. Bản thân tôi năm nay đã nhận kín lịch diễn trong tháng 9, có ngày diễn 3-4 điểm khác nhau. Chủ yếu là phục vụ học sinh”.

Giá cả một sô diễn ảo thuật tại TPHCM khá “mềm”, chỉ vào khoảng 1 triệu đồng. Ảo thuật gia Ngọc Tâm nói: “Những năm 1990, cát xê diễn ảo thuật rất cao, ngang ngửa với thù lao cho ca sĩ tên tuổi đình đám. Nhờ diễn ảo thuật mà tôi mua được đất, xây được nhà. Nhưng ngày nay, ảo thuật trở thành một nghệ thuật bình dân, nên cát xê cũng không còn cao như trước”.

Đinh Văn Hồ, quê Quảng Ngãi, theo diễn ảo thuật được 3 năm nay. Anh nói: “Tôi làm quen ảo thuật mười năm, nhưng để diễn kiếm tiền, tôi phải học nhiều trên internet và người thân. Tôi còn trẻ và chưa nổi tiếng lắm nên thù lao là 700.000đ một sô thôi. Diễn cho trường học, sinh nhật, đám cưới”. Hồ được nhiều người yêu thích với tiết mục ảo thuật để cô dâu chú rể bất thần xuất hiện giữa đám cưới trong sự ngỡ ngàng của cả hôn trường! Một tiết mục lớn và công phu như vậy thì cát xê khoảng 3 triệu đồng.