Bất lực quản chung cư mini, người dân lãnh đủ

TP - Nhiều năm nay, Bộ Xây dựng loay hoay siết quản lý xây dựng chung cư mi ni nhưng không hiệu quả. Người dân khổ sở vì trót mua nhưng không có sổ, vì nhiều chủ đầu tư đã xây vượt tầng, sai phép trong khi ngày càng nhiều các tòa chung cư mini mọc lên từ trong ngõ ngách gây áp lực hạ tầng.
Chung cư mini nở rộ trong ngõ nhỏ Hà Nội với nhiều bất cập về phòng cháy chữa cháy và sổ đỏ

Nhếch nhác, dài cổ chờ sổ đỏ

Ông Minh Quang (Thái Bình) vừa lên thăm con gái tại căn hộ chung cư mini trong ngõ trên phố Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) được vài ngày vội vã về quê luôn, vì không chịu nổi cảnh nhếch nhác, chật chội ở đây. “Gia đình con gái tôi mua căn hộ ở đây 30m2 cách đây 5 năm khi sinh con thứ nhất. Mới đây, khi con sinh đứa thứ 2 tôi thu xếp lên chơi với con cháu xem nhà cửa ra sao mà thất vọng quá. Lúc mới mua, con tôi khoe mua nhà tại trung tâm Hà Nội, tòa nhà xây hiện đại 7 tầng, mỗi tầng 4 căn hộ có thang máy nhưng chỉ vài năm đã xuống cấp nghiêm trọng”, ông Quang nói.

Ông Quang cũng chia sẻ thêm, tòa nhà chỉ có tầng 1 để xe và lúc nào cũng tắc nghẽn vì quá đông xe và người qua lại. Mỗi căn hộ chia 2 phòng, 1 phòng ngủ và 1 phòng khách thông với bếp và liền kề  là một phòng vệ sinh nhỏ. Điện nước chập chờn, quá tải. “Chỉ riêng tòa nhà chung cư này, mỗi lần bơm nước, với hơn 20 chiếc máy bơm của các hộ sinh sống ở đây cũng đủ làm kiệt nguồn. Ngoài ra, lúc mua con tôi bảo chủ nhà hứa hẹn sẽ được cấp sổ đỏ nhưng 5 năm nay mới chỉ có cuốn sổ đỏ chung còn chưa có sổ đỏ từng căn hộ”, người đàn ông này nói.

Trong vai người có nhu cầu mua chung cư mini, phóng viên Tiền Phong thử đi sâu vào tìm hiểu một số nơi có căn hộ này tồn tại trong các ngõ nhỏ trên các con phố như: Khâm Thiên, Tây Sơn, Xã Đàn… Điểm dễ nhận thấy ngay các tòa chung cư mini từ 5 đến 8 tầng mọc lên như nấm với mức giá dao động: 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng/căn tùy diện tích. Vì diện tích nhỏ nên nhiều hộ đã “cơi nới” ra ban công không khác gì các tòa chung cư cũ. Do chung cư mini nằm sâu trong ngõ nên vào đầu giờ sáng và tan tầm, những ngõ này luôn chật cứng người ra vào và đặc biệt không nơi nào có hệ thống thoát hiểm và báo cháy.

Còn tại khu chung cư mini trên đường Vũ Tông Phan (Đống Đa, Hà Nội) do Công ty Địa ốc Nhà Vàng làm chủ đầu tư, người dân đã mua hết số căn hộ không được cấp sổ đỏ?

Không quản được

Theo một lãnh đạo Bộ Xây dựng, sai phạm tại những công trình này đang tồn tại dưới mấy dạng sau: Xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng… rồi tự do mua bán, chuyển nhượng. “Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như: vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao trong cộng đồng dân cư; quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; không cấp được giấy chứng nhận sở hữu cho người mua căn hộ do công trình vi phạm về thiết kế, mật độ xây dựng dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện giữa người mua và người bán”, lãnh đạo Bộ Xây dựng nói.

Đặc biệt,  vị này nhấn mạnh việc gia tăng mật độ dân số tại các khu vực căn hộ sẽ gây ách tắc giao thông, không bảo đảm vệ sinh môi trường, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương, phá vỡ quy hoạch, làm mất mỹ quan, thiết kế của đô thị.

Mới đây, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương phối hợp với ngành chức năng tăng cường phổ biến, tuyên truyền quy định của pháp luật về những nội dung liên quan. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở nhưng không phép, sai phép, lấn chiếm không gian, xây dựng không đúng với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng nhà ở không bảo đảm chất lượng...

Đồng thời, yêu cầu các địa phương chủ động giải quyết vướng mắc, khiếu kiện, tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định về quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng, thi công xây dựng, quản lý chất lượng công trình nhà ở trên địa bàn. “Với những nội dung cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế, các địa phương cần tổng hợp, báo cáo về Bộ Xây dựng để xem xét sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp”, Bộ Xây dựng lưu ý.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, trong hơn 10 năm qua, nhất là từ năm 2010 đến nay, đã nở rộ tình trạng khoét lõm xây dựng chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ mini tại các đô thị, quận nội thành. Việc nở rộ chung cư mini vượt ngoài tầm kiểm soát. Theo ông Châu, nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ những bất cập của các quy định pháp luật về “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”.

“Luật Nhà ở 2014, tại Điều 46, đã cho phép hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín… Quy định này đã dẫn đến tình trạng phát triển loại nhà chung cư mi ni, “chung cư hộp diêm” trong 10 năm qua, làm tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị ”, ông Châu phân tích.

 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, các sai phạm tại những công trình này đang tồn tại dưới mấy dạng sau: xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng... rồi tự do mua bán, chuyển nhượng. “Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như: vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao trong cộng đồng dân cư; quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; không cấp được giấy chứng nhận sở hữu cho người mua căn hộ do vi phạm về thiết kế, mật độ xây dựng dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện giữa người mua và người bán”, ông Sinh nói.
Theo ông Sinh, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương chủ động giải quyết vướng mắc, khiếu kiện, tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định về quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng, thi công xây dựng, quản lý chất lượng công trình nhà ở trên địa bàn.