Bất lực nhìn vàng tặc băm nát nương rẫy

TP - Nhiều cây số dọc suối Đăk Hre, ở thôn 7 và 8 xã Hiếu (huyện Kon Plông, Kon Tum) bị vàng tặc đào bới đãi vàng sa khoáng. Có thời điểm đầu nậu đưa hơn 200 người vào bãi vàng cùng hàng chục máy đào, máy đãi hoạt động rầm rập suốt ngày đêm.
Dọc sông Re biến dạng do những hố đào vàng

Các ông trùm ép dân bán ruộng rẫy để đào vàng trước sự bất lực của chính quyền địa phương. 

Vàng tặc lộng hành

Từ TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, phóng viên vượt hơn 100 km mới đến làng Kon Piêng, Kon Plinh (thôn 7 và 8) xã Hiếu, huyện Kon Plông. Một người dẫn đường đưa chúng tôi đi bộ gần 5 giờ đồng hồ theo con đường lâm nghiệp xuyên qua những cánh rừng rậm mà chủ rừng là Lâm trường Măng La.

Suối Đăk Hre bắt nguồn từ xã Hiếu chảy vào sông Re đổ về Ba Tơ (Quảng Ngãi). Từ đầu năm 2013, khu vực này bỗng “nóng” lên với việc hàng trăm người dân từ các tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Bắc Giang, Nam Định… đổ về đào đãi vàng. Phó trưởng Công an huyện Kon Plông - thượng tá Trịnh Duy Anh – bảo, nghe nói nhóm đào vàng “có giấy” của lãnh đạo xã Hiếu vào thăm dò vàng. 

Mục sở thị các bãi vàng, chúng tôi chứng kiến thượng nguồn sông Re bị vàng tặc xâu xé, băm nát, lật tung để tìm kiếm vàng sa khoáng. Đất, đá bị máy múc, máy bơm khoét sâu tạo thành những “hố bom” nham nhở khắp nơi. Tại các bãi vàng vừa khai thác xong, mùi xyanua bốc lên nồng nặc, sông Re đục ngầu vì bùn, mặt sông nham nhở, cây cối xung quanh bị cưa xẻ làm lán trại ngã rạp ngổn ngang.

Đi dọc con sông qua những bãi vàng vừa khai thác xong, người dẫn đường ra hiệu cho chúng tôi ẩn mình vì giáp mặt một bãi vàng đang khai thác. Tiếng người hò hét ra lệnh, tiếng máy móc hoạt động ầm ầm. Những chiếc xe cẩu, máy bơm, máy hút đổ đất, đá lên máng chuyền sàng, đãi vàng… hoạt động tấp nập.

Ông Hoàng Thanh Hải vừa mới đảm nhận chức Chủ tịch UBND xã Hiếu cho biết, trước kia nơi đây quy tụ khá đông các trùm vàng, như trùm Đàm Văn Ngàn (Bắc Giang), Trần Thế Thùy (Bắc Giang), Nguyễn Văn Kha (Kon Tum)… Tuy nhiên, từ tháng 3/2014, khi quân của Đàm Văn Ngàn huyết chiến với Trần Thế Thùy, khiến Thùy nhập viện, lui quân, nhiều đầu nậu khác cũng chờn mặt, rút dần. Hiện nay, gần như toàn bộ lãnh địa khai thác vàng thuộc về Đàm Văn Ngàn. Trùm Ngàn mua bán ruộng nương của hàng chục người dân địa phương. Nhóm này dọa, nếu không bán đất nương rẫy sẽ bị các đối tượng khác đến phá tanh bành.

Địa phương bất lực?

Ông Hoàng Thanh Hải bảo, từ khi về nhậm chức Chủ tịch UBND xã Hiếu vài tháng nay, đang chịu áp lực lớn về vấn đề an ninh trật tự tại bãi vàng, song xã không có đủ lực lượng và công cụ để trấn áp vàng tặc. Nhiều lần triển khai lực lượng đến nơi, dân đào đãi vàng đã thu dọn đồ đạc, bỏ hết lên núi lánh mặt. Trong khi đó, thẩm quyền xử phạt của xã chỉ đến 5 triệu đồng, mà máy đào máy xúc của vàng tặc toàn vài chục triệu đồng đến tiền tỷ nên xã không dám đụng. Lực lượng kiểm tra đã thu giữ được ống nhòm chuyên dụng, đạn súng kíp… của vàng tặc.

Trong khi đó, UBND huyện Kon Plông cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện phối hợp Phòng Tài nguyên - Môi trường, Hạt kiểm lâm, Lâm trường Măng La và UBND xã Hiếu truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng sa khoáng trái phép trên địa bàn xã Hiếu.

Đã có hàng chục lần truy quét, gần đây nhất là ngày 21/8 nhưng trong khu vực bãi vàng vẫn còn 2 máy đào loại trung đang tập kết. Sở Tài nguyên và Môi Trường Kon Tum cũng đã kiểm tra khu vực này nhưng chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu.

Trao đổi với PV, bà Y Thị - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông- thừa nhận, đến nay tỉnh Kon Tum vẫn chưa đưa ra bất kỳ hình thức xử phạt hành chính nào với các đối tượng khai thác vàng ở xã Hiếu. Chỉ có qua kiểm tra, đoàn liên ngành đốt lán trại, xăng dầu, máy bơm, bình ga… mà vàng tặc vứt lại, còn máy móc giá trị lớn huyện không dám đụng do mức xử phạt cấp huyện chỉ được xử lý hành chính đến 50 triệu đồng. Phía Công an huyện thì cho biết, đã “gọi hỏi răn đe” cai vàng Đàm Văn Ngàn, và đang chờ ông này tự giác rút.