Bất động sản, chứng khoán: Tiền có vào?

TP - Năm 2015, thị trường và dòng tiền sẽ hướng vào chứng khoán, bất động sản; vàng hay ngoại tệ . Hãy cùng lắng nghe các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia phân tích và lựa chọn.

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN: “Chứng khoán chờ kênh dẫn vốn ngoại”

Năm 2015 kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng 3,8%; kinh tế Mỹ hồi phục... Còn trong nước, với việc giá nhiên liệu sụt giảm tạo cơ hội giảm lạm phát, kích cầu, giảm chi phí của doanh nghiệp; chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang được triển khai tích cực hứa hẹn các cơ hội được mở rộng. Giải pháp nâng hạng thị trường sẽ làm thay đổi hình ảnh TTCK Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó tạo ra kênh dẫn vốn nước ngoài mạnh mẽ, bền vững hơn.

 

Ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Hàng tồn kho BĐS sẽ giảm

Trong những năm tới, với tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, cùng với việc các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) sẽ có tác động rất tích cực đến thị trường BĐS nói chung và phân khúc nhà ở nói riêng. Với tác động của hai luật này, thị trường BĐS sẽ tiếp tục tăng trưởng, lượng giao dịch ổn định, giá cả biến động không nhiều, lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm. Quyền lợi của người mua sẽ được bảo đảm hơn và các giao dịch trên thị trường sẽ được công khai, minh bạch hơn, các tranh chấp, khiếu kiện giữa khách hàng với chủ đầu tư dự án sẽ được giảm thiểu.

Ông Phan Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Tập đoàn CenGroup: Năm phục hồi của BĐS cao cấp

Năm 2015, thị trường bất động sản (BĐS) có thuận lợi về chính sách, tín dụng. Đặc biệt, năm nay, phân khúc cao cấp chắc chắn sẽ hồi phục bởi các phân khúc trung và thấp cấp đã hồi phục trong thời gian gần đây. Ngoài ra, những người sở hữu căn hộ trung cấp sẽ nâng cao nhu cầu sang phân khúc cao cấp nếu kinh tế vĩ mô ổn định. Ở mảng BĐS cao cấp, nhà đầu tư thường quan tâm đến hiệu quả đầu tư và phương án tài chính. Vì vậy những sản phẩm này được khách hàng mong chờ một giải pháp về tài chính hiệu quả.

Tôi tin thị trường BĐS Việt Nam vẫn là một thị trường đầu tư rất tiềm năng, theo đánh giá của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta phải coi BĐS  là đầu tư dài hạn, phải có tầm nhìn trong 5 hoặc 10 năm. Ở khía cạnh đầu tư sản phẩm để bán cho người nước ngoài đó không phải thị trường lớn, vì nhu cầu người nước ngoài chỉ chiếm phần nhỏ.  Tôi cho rằng yếu tố người nước ngoài không có tác động nhiều đến thị trường BĐS Việt Nam.

Ông Nhữ Đình Hòa, TGĐ Cty Chứng khoán Bảo Việt: Chứng khoán sẽ đi ngang.

Năm 2015, có thể lạm phát vẫn tiếp tục được kiểm soát tốt, lãi suất hợp lý. Đó là những yếu tố đầu vào thuận lợi cho doanh nghiệp, thị trường chứng khoán. Cùng với đó là Việt Nam đang mở rộng hợp tác kinh tế đối ngoại với khu vực như: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU... sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Với tất cả những yếu tố đó hội tụ, sự tăng trưởng của TTCK Việt Nam sẽ nhiều hơn là khả năng đi ngang hay đi xuống.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: Vàng ngoại tệ kém hấp dẫn

Nếu lạm phát dưới 5% (chỉ tiêu của Quốc hội là 5%), tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục giữ mức thấp nhất trong 1 thập kỷ qua và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chính sách quản lý thị trường vàng như hiện nay thì hấp dẫn của thị trường vàng và ngoại tệ sẽ tiếp tục suy giảm.

Ngược lại thị trường bất động sản sẽ thu hút nguồn vốn đáng kể trong năm 2015 khi mà xu thế giá thực và nhu cầu thực đang và sẽ áp đảo thị trường. TTCK dự kiến tiếp tục thu hút nguồn vốn lớn của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là khi tiến trình cổ phần hóa được đẩy mạnh.

Năm 2014 qua đi, cảm xúc mang lại cho thị trường chứng khoán vui buồn lẫn lộn. Vui vì VN- Index đã có một năm tăng điểm thêm 9%, chỉ số HNX tăng 24% so với cuối năm 2013; Mức vốn hóa đạt 1.128 tỷ đồng, tương đương 31,5% GDP; vui vì tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,37 triệu, tăng 6% so với cuối năm 2013; vui vì thanh khoản của hai sàn HoOSE và cả HNX đều đạt giá trị giao dịch cao. 

Chia sẻ với Tiền phong trong ngày cuối năm, Chánh thanh tra UBCKNN bà Nguyễn Thị Chân Phương từng cho hay về con số ngót 10 tỷ đồng xử phạt mà thanh tra UBCKNN đã ban hành năm 2014. Theo bà Phương, cơ quan thanh tra không phải lúc nào cũng muốn ký “án” phạt; nhưng phải thừa nhận chứng khoán là một thị trường hết sức tinh tường; nếu không kiểm soát ngặt nghèo các cá nhân, tổ chức hay “đội lái” có thể thao túng tinh vi.