Cần san sẻ với doanh nghiệp
Trao đổi với Tiền Phong, bà Bùi Thu H., Tổng Giám đốc một doanh nghiệp ngành cơ khí có trụ sở ở Mê Linh (Hà Nội) cho biết, vừa được giải ngân khoản vay ngắn hạn hơn 5 tỷ đồng, lãi suất cho vay 12%/năm. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, chấp nhận vay khoản tiền trên do đang cần đẩy nhanh hợp đồng với đối tác ngoại.
“So với một số khoản của các doanh nghiệp khác, lãi suất chúng tôi phải trả có thấp hơn. Tuy nhiên, so với mức lợi nhuận, mức lãi suất cho vay này quá cao. Chúng tôi tính toán, nếu hợp đồng suôn sẻ, mức lãi công ty đạt được cũng chỉ khoảng 13%. Để đạt được mức lãi này, doanh nghiệp phải tiết kiệm chi phí triệt để trong suốt 6 tháng qua. Trong khi đó, ngân hàng không quá vất vả, nhưng cũng có thể kiếm được khoản lợi nhuận ước chừng 5%-6%. Nếu không phải vì muốn đẩy nhanh hợp đồng, chúng tôi sẽ không gõ cửa ngân hàng làm gì”, vị này chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ ở Hải Phòng khẳng định luôn cần vốn để quay vòng. Tuy được ngân hàng chào mời rất nhiều, doanh nghiệp vẫn từ chối vay. Đơn giản vì hồ sơ, thủ tục để giải ngân không dễ dàng do ngân hàng siết các điều kiện vay. Nhưng lý do quan trọng nhất là lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện vẫn quá cao.“Với tình trạng giằng co lãi suất cho vay hiện nay, doanh nghiệp sẽ còn gặp khó trong vay vốn kéo dài. Chừng nào ngân hàng giảm lãi suất, nới điều kiện vay, may ra tình hình mới cải thiện”.
Cựu lãnh đạo một ngân hàng tên tuổi khẳng định “Ngân hàng nói ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn ở mức 5%-6%, nhưng thực tế mức lãi suất cho vay này chỉ áp dụng trong vài tháng đầu. Sau thời hạn ưu đãi, lãi suất lại nhảy theo thị trường, phổ biến ở mức 12%-13%. Gần 1 năm qua chúng tôi luôn thỏa thuận với đối tác làm ăn lâu năm là ưu tiên thanh toán trước khoảng 60%-70% giá trị hợp đồng; bù lại sẽ giảm giá bán cho đối tác. Chúng tôi đã nhẹ gánh nợ vay ngân hàng rất nhiều”, ông Tuấn chia sẻ.
Đánh giá về mặt bằng lãi suất hiện nay, TS Võ Đại Lược cho rằng, lãi suất cho vay trước đây 18%/năm, nhưng vẫn là thấp nếu so với mức lạm phát lên đến trên 20%. Còn hiện nay lạm phát chỉ ở mức 2% trong khi lãi suất cho vay của các ngân hàng thấp nhất là 6%. Mức này chênh lệch rất cao và các ngân hàng là nơi được hưởng lợi.
Câu chuyện ngân hàng không hạ lãi suất vay, trong khi doanh nghiệp mòn mỏi đợi cũng được các chuyên gia mổ xẻ tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu tuần qua. Trả lời các chuyên gia về vấn đề lãi suất cao đang đè nặng doanh nghiệp trong suốt thời gian qua, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng: Số liệu cập nhật đến ngày 23/9, tín dụng tăng trưởng toàn hệ thống 6,73% so với cuối năm 2013. Trong một hai tháng qua, tín dụng đã tăng trở lại.
“Doanh nghiệp luôn muốn hạ lãi suất xuống nữa, nhưng liệu hạ tiếp có thể tháo gỡ lưu thông tín dụng hay không. Thực tế, tín dụng mắc rất nhiều, chứ không phải chỉ lãi suất. Chính sách điều hành lãi suất của NHNN phải cân nhắc đối với diễn biến của lạm phát. Tính đến tháng 9, lạm phát so với cùng kỳ năm trước là 3,62%. Các mức lãi suất cho vay 10%-13% chủ yếu là với các khoản vay trung, dài hạn. Tuy nhiên, NHNN sẽ cân nhắc về những đề xuất giảm tiếp lãi suất thời gian tới đây”, bà Hồng cho biết. Đây dường như là một tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Có thể điều chỉnh tỷ giá tới 1,43%
Gợi mở cho việc đẩy mạnh tín dụng của ngân hàng, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng: Trong bối cảnh mọi luồng vốn đều tắc, kinh tế còn nhiều khó khăn, tổng cầu yếu, NHNN cần điều chỉnh hạ giá VND khoảng 3% để khuyến khích xuất khẩu và phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Tại phiên trả lời chất vấn tại UB Thường vụ Quốc hội chiều 29/9, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Từ đầu năm 2014 đến nay, NHNN đã một lần điều chỉnh tăng thêm 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Sau lần điều chỉnh đó, đến nay tỷ giá vẫn ổn định.
Theo ông Bình, có lẽ năm nay không điều chỉnh hết 2%. Nếu có thì chỉ từ 1-1,43% và nằm trong biên độ cho phép. Trước đó, từ đầu năm, cơ quan này đã đưa ra định hướng tiếp tục giữ ổn định tỷ giá, nếu có điều chỉnh sẽ không quá 2% cả năm.