Vào 7 giờ sáng nay, tâm bão trên vùng biển phía đông bắc khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 11. Những giờ qua, bão di chuyển rất nhanh theo hướng tây tây bắc với vận tốc khoảng 20-25 km/h.
Dự báo trong những ngày tới, do gặp điều kiện rất thuận lợi như mặt biển ấm, đứt gió yếu, bão YAGI sẽ tăng cấp liên tục, có thể đạt cường độ rất mạnh, thậm chí là siêu bão theo nhận định của Hoa Kỳ.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia của Việt Nam nhận định, trong ngày và đêm nay, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 10km/h. Sau đó từ ngày 4/9, bão di chuyển ổn định theo hướng tây, tiến về đảo Hải Nam rồi đi vào vịnh Bắc Bộ của nước ta.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khi tiến đến vùng biển phía Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 400km vào sáng 5/9, bão đạt cường độ cấp 11-12, giật cấp 14. Sau khi vượt qua đảo Hải Nam, nhờ điều kiện mặt biển ấm của vịnh Bắc Bộ, bão tiếp tục mạnh lên cấp 13, giật cấp 16 vào sáng 6/9.
Các chuyên gia nhận định, 3 kịch bản có thể xảy ra khi bão đổ bộ đất liền. Kịch bản thứ nhất, bão có thể đi vào khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng của nước ta. Kịch bản thứ hai, bão có thể đi xuống đồng bằng Bắc Bộ. Với kịch bản này, vùng ảnh hưởng của bão sẽ rất rộng lớn và tác động của bão nghiêm trọng hơn nhiều. Một kịch bản khác có xác suất thấp hơn là bão đi vào khu vực Quảng Tây của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, diến biến của bão sẽ rất phức tạp, khó lường, cần liên tục cập nhật các bản tin dự báo mới nhất về cơn bão.
Do ảnh hưởng của bão YAGI, từ hôm nay, vùng biển phía đông bắc của khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh dần lên cấp 6, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật trên cấp 11-12, biển động mạnh, sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão 3-5m.
Dự báo trong khoảng ngày 4-6/9, bão YAGI có thể đạt cường độ rất mạnh trên khu vực Đông Bắc Biển Đông, gió mạnh tối đa có thể lên tới cấp 12-13, giật cấp 16 vùng gần tâm bão, sóng biển cao 5-7m.
Bão YAGI hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ngoài khơi của Philippines, mạnh lên thành bão vào đêm 1/9, được nhận định là cơn bão rất mạnh trên Biển Đông năm nay.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm diễn biến khí tượng, thủy văn cả nước tiếp tục có những biến động, khó lường.
Các mô hình dự báo cho thấy, hiện tượng La Nina có thể phát triển trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2024 với xác suất 60-70%. Sau đó duy trì trong các tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025 với xác suất khoảng 70-80%. Với kịch bản xuất hiện La Nina, khả năng bão/áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông sẽ cao hơn bình thường.
Dự báo từ nay đến cuối năm 2024, số lượng cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động ở Biển Đông có thể xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm (6-7 cơn). Trong đó, số cơn đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm (khoảng 3 - 4 cơn), tập trung nhiều ở Trung Bộ cũng như các tỉnh phía Nam.