> Hà Nội không có quy hoạch khảo cổ
> Đàn Xã Tắc hay tắc Xã Đàn?
Nghi ngờ quy mô, vị trí của đàn Xã tắc
TS Vũ Thế Khanh (Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng) thừa nhận sự quan trọng của đàn Xã tắc nhưng đặt câu hỏi về quy mô của nó. Ông cho rằng theo tiêu chuẩn như Trung Quốc, đàn phải có diện tích 6.400m2, và khu vực khai quật 900m2 vừa qua không phải đàn Xã tắc.
Tiếp đó, PGS. Nguyễn Văn Hảo (nguyên Viện Phó viện Khảo cổ học, chuyên gia về thời kỳ đồ đá) khẳng định 6 hố khai quật tổng diện tích 900m2 đã “vồ trượt” đàn Xã tắc. “Đàn Xã tắc vẫn là một ẩn tích, không biết bao giờ mới tìm ra được”. Ông Hảo đưa giải pháp nên đào hố thám sát 2m2 dọc theo chiều dài dự định xây dựng cầu vượt để xác định tọa độ đàn Xã tắc.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ lại cho rằng Hà Nội có tới năm Xã Đàn và đàn Xã tắc (thờ Thổ thần) chỉ là một trong năm Xã Đàn đó. TS Hán Nôm Trần Thị Kim Anh ủng hộ ông Vỹ về việc Hà Nội có nhiều đàn tế. Bà Kim Anh cho rằng vào thời Lê, đàn Xã tắc có quy mô giống đàn Xã tắc của nhà Minh (Trung Quốc).
Trước đó, TS Nguyễn Hồng Kiên, người phụ trách việc khai quật khảo cổ học di tích đàn Xã tắc năm 2006 trình bày hệ thống các bằng chứng về việc có đàn Xã tắc tại nút giao thông Xã Đàn – Ô Chợ Dừa (Hà Nội).
Về việc tìm lại dấu tích đàn tế, TS Kiên cho biết không hề đơn giản. Vì đàn Xã tắc với dụng đích thờ thần Đất và thần Lúa chỉ làm bằng đất. Để xác định được đàn, cần tham khảo ý kiến liên ngành cũng như tìm hiểu các dấu tích kiến trúc khác, các địa hình liên quan. Trong đó linh đạo (con đường thiêng dẫn tới đàn) được TS Kiên đặc biệt quan tâm. Kết quả khai quật cho thấy, linh đạo thời Trần, Lý, Lê đã rõ. Trong đó, linh đạo thời Trần dài 7m, rộng 1,6m với gạch chôn nghiêng làm ốp đường.
Từ các bằng chứng đó TS Kiên khẳng định qua 6 hố khai quật với diện tích 900m2 đã tìm ra đàn Xã tắc.
Bỏ ngỏ
Phần lớn nhà khoa học có mặt tại tọa đàm (Tạp chí Tia Sáng tổ chức) đều đồng tình việc bảo tồn khu vực đã được khai quật. (Ngoài PGS Hảo về việc khu vực khai quật tại nút giao thông Ô Chợ Dừa không phải là
đàn Xã tắc).
Nhà sử học Bùi Thiết cho rằng, vị trí đàn Xã tắc đã rõ, do vậy không nên bàn cãi, tìm chứng cứ nữa. Theo ông Thiết, bảo vệ đàn Xã tắc không chỉ là bảo vệ di tích bên dưới mà cả không gian trên trời: “Nếu Hà Nội vẫn làm cầu vượt đi qua đó thì cũng đồng nghĩa với việc “giết” đàn Xã tắc một cách nhanh nhất”.
Về giải pháp bảo tồn, theo TS Vũ Thế Khanh, có thể nâng đàn lên cao, sau đó làm cầu vượt. Ý kiến này bị phản bác, rằng đàn Xã tắc thờ thần Đất không thể nâng lên cao.
Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế (ĐH Mỹ thuật VN) đề xuất phương án bảo tồn là lập công viên di tích để bảo tồn khu vực đã được khai quật. Bên cạnh đó vẫn tìm phương án thích hợp cho cầu vượt tại khu vực Ô Chợ Dừa. Còn ông Bùi Danh Liên (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội) cho rằng các nhà khoa học không nên đứng ở hai cực khác nhau mà phải cùng hướng về sự phát triển.
|
Ngoài các dữ liệu thành văn nói về đàn Xã tắc có trong các bộ sử, địa chí, bản đồ, TS Nguyễn Hồng Kiên (ảnh) đưa ra các bằng chứng khảo cổ học từ cuộc khai quật có diện tích 900m2. Tại khu vực khai quật có độ cao 6,267m so với mực nước biển, các tầng văn hóa từ giai đoạn Phùng Nguyên tới Lý, Trần, Lê được phát lộ. Nhiều di vật quý hiếm, cũng như dấu tích của gạo nếp (đồ tế thần Xã tắc) được tìm thấy.