> 'Tiền Phong' về nơi nguồn cội
>Báo Tiền phong 55 năm phát triển và đổi mới
>‘Thủ lĩnh’ thanh niên Lào thăm báo Tiền Phong
>Tân Hoa hậu, Á hậu trước chuyến từ thiện ở Thanh Hóa
Luôn theo dõi những điển hình hay, mô hình mới
Mỗi sáng, tôi đều đọc Tiền Phong và tìm hiểu kỹ những điển hình hay trong phong trào thanh niên lập nghiệp cùng những mô hình tốt trong phong trào tuổi trẻ xây dựng nông thôn mới với mong muốn tìm ra những bài học quý để áp dụng trong hoạt động Đoàn ở một tỉnh thuần nông.
Nhiều lần, Tiền Phong đã gỡ bí cho tôi, một thủ lĩnh thanh niên tỉnh lúa một số cách làm hay. Tuy nhiên, tôi thấy, Tiền Phong còn thiếu vắng những bài viết thực sự ba cùng với thanh niên nông thôn.
Rất vui vì nhiều phóng viên trẻ của báo đã có những bài báo hay khi ba cùng với các trí thức trẻ về vùng sâu, vùng xa làm phó chủ tịch xã.
Tôi mong họ lại về ba cùng với tuổi trẻ quê lúa để có những bài báo phản ánh sinh động về vai trò của lớp trẻ hôm nay trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
(Nguyễn Văn Huy - Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Bình)
Đừng quên kế sách “Chiêu hiền, đãi sĩ”
Là cộng tác viên của Tiền Phong hơn 20 năm, tôi rất vui vì tờ báo luôn đi đầu trong đấu tranh chống tiêu cực và phản biện một cách sắc sảo, kiên định nhiều vấn đề được cả xã hội quan tâm. Gần đây, những vấn đề dân sinh, thân phận con người được báo quan tâm hơn.
Theo tôi, để tạo nên bản sắc riêng, báo nên bớt những bài viết phản ánh hội nghị, hội thảo với những con số khô khan mà phải tăng những bài viết bám sát cơ sở. Báo đã nêu vấn đề, vụ việc gì nên đeo bám xử lý đến cùng.
Dường như mấy năm gần đây, báo ít quan tâm so với trước trong việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên nhất là những người có nghề, nhiều tâm huyết. Nếu có một đội ngũ cộng tác viên tốt, tôi tin báo sẽ sâu sát cơ sở hơn, thông tin nhanh nhạy hơn.
Trong bối cảnh nhiều tờ báo ra sức triển khai kế sách “Chiêu hiền, đãi sĩ” thì Tiền Phong lại lơi lỏng kế sách hay đã góp phần không nhỏ tạo nên sức mạnh của tờ báo.
(Đồng Khắc Thọ - Trưởng ban Quản lý An toàn khu - ATK, Định Hoá, Thái Nguyên)
Tiền Phong cần phải trẻ hơn
Tôi cũng như nhiều sinh viên thấy Tiền Phong là tờ báo của tuổi trẻ nhưng lại… hơi già.
Tiền Phong cần tăng thêm những chuyên trang, chuyên mục dành cho tuổi trẻ. Có phải do số trang báo còn ít nên những bài viết về tình yêu, về hôn nhân, gỡ rối cho người trẻ những vấn đề tế nhị, khó nói chưa nhiều. Sự tương tác giữa báo với bạn đọc còn hạn chế.
Đã lâu, gần đây mới thấy báo mở Diễn đàn Sống đẹp. Nó thực sự có ý nghĩa. Nhiều sinh viên đã gửi ý kiến tham gia. Diễn đàn giúp mọi người hiểu hơn về cách nghĩ, lối sống của lớp trẻ hôm nay.
Sau này, theo tôi nên mở thêm nhiều diễn đàn, tạo những chuyên mục để người trẻ tham gia bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề mà họ quan tâm...
Tạo nét riêng cho Tiền Phong là việc rất nên làm. Có như vậy báo mới trở thành người bạn lớn, thân gần với lớp trẻ được.
(Đỗ Ngọc Huyền - SV Trường Đại học Nội vụ Hà Nội)
59 năm nhìn lại
Tiền thân của báo Tiền phong là tờ Hồn nước (1945-1946), sau đó là báo Xung phong. Đến năm 1949, tờ báo của Đoàn mang tên Sức trẻ, nhưng ra được 15 số thì phải dừng vì xưởng in bị cháy.
Năm 1950-1952, tổ chức Đoàn có tạp chí Thanh niên. Ngày 16/11/1953, tại xã Minh Thanh (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) chính thức ra đời tờ báo Tiền phong do đồng chí Nguyễn Lam, lúc bấy giờ là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn làm chủ nhiệm (sau này đồng chí Nguyễn Lam là Bí thư T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ).
Năm 1956, báo Tiền phong ra hai kỳ một tuần, đến năm 1959 lên ba kỳ/ tuần. Giữa những năm 1980, báo Tiền phong ra mỗi tuần một kỳ; giai đoạn từ 1975 đến 1985 là thời kỳ khó khăn, giấy để in báo không đủ, đời sống cán bộ, phóng viên rất gian khổ…
Cho đến những năm 1987, 1988, bắt nhịp với công cuộc đổi mới của đất nước, với tinh thần tự lực, tự cường, “tự cứu” như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, anh chị em cán bộ, phóng viên của báo đã tìm mọi cách thoát ra khỏi những khó khăn, tự tìm nguồn lực (kể cả việc phối hợp với nhà in giấy Tân Mai để có giấy in báo). Báo bắt đầu đổi mới thông tin, đổi mới măng séc, đổi mới cách trình bày, tổ chức làm phụ san, phụ bản…
Cuối năm 1988, báo ra số Tiền phong Chủ nhật; ngày 7/11/1992 ra chuyên san Người đẹp Việt Nam; ngày 25/5/1995, ra thêm hai chuyên san Tiền phong Cuối tháng và Tri thức trẻ. Tháng 7/2001, báo Tiền phong ra 5 số/tuần. Đến năm 2006 thì ra hàng ngày. Từ năm 2005 có báo điện tử…
Rời chiến khu Việt Bắc “Quê hương cách mạng dựng lên cộng hòa”, báo Tiền phong, từ một túp lều tre nứa lợp rạ (cũng có thể gọi là trụ sở của báo) đã chuyển về thủ đô Hà Nội. Năm 1954, báo đóng trụ sở ở Đồn Thủy, sau đó ít lâu chuyển về cụm nhà 64 phố Hàm Long, rồi số 3 Hồ Xuân Hương, tiếp đến 64 Bà Triệu, 167 phố Phùng Hưng.
Cuối năm 1961, trụ sở báo Tiền phong mới chuyển về 15 Hồ Xuân Hương (Hà Nội). Căn nhà ba tầng 15 Hồ Xuân Hương suốt bao năm là trụ sở của ba cơ quan, báo Tiền phong, báo Thiếu niên Tiền phong và báo Nhi đồng.
Cuối năm 2002, được phép của T.Ư Đoàn và các cơ quan chức năng TP Hà Nội, báo đã dỡ ngôi nhà cũ, xây trụ sở 10 tầng hiện đại khang trang. Trụ sở báo Tiền phong số 15 Hồ Xuân Hương (Hà Nội) đã trở thành địa chỉ tin cậy, thân thiết của tuổi trẻ cả nước, của hàng triệu bạn đọc…
TPO
T.H
ghi