Tối 13/11, tại Hà Nội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020 – 2021.
Theo Ban tổ chức, Giải đã nhận được 1.181 tác phẩm ở các loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình của trên 100 cơ quan báo chí ở T.Ư và địa phương gửi tham dự.
Đây là số lượng tác phẩm báo chí gửi tham dự lớn nhất từ khi giải được tổ chức đến nay.
Theo đánh giá, các tác phẩm báo chí dự thi năm nay đã bám sát với chủ đề và tiêu chí Thể lệ Giải. Các cơ quan truyền thông, báo chí đã có nhiều tin, bài phản ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm, được nhân dân quan tâm; đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước trong cộng đồng quốc tế.
Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, tính phát hiện cao, thể hiện sự dấn thân, đeo bám tới cùng vụ việc của các nhà báo, tạo hiệu ứng tác động xã hội rất lớn, đem lại hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Ban Chỉ đạo Giải đã lựa chọn được 45 tác phẩm xuất sắc để trao các giải gồm: 4 giải A; 10 giải B; 12 giải C và 18 giải Khuyến khích.
Lần đầu tiên có tác phẩm đạt Giải Đặc biệt do Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trao thưởng - là phim tài liệu 3 tập “Giặc nội xâm” của nhóm tác giả Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Ánh Ngọc, Vương Khánh Trần Linh, Nguyễn Thanh Bình, phát sóng trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.
Báo Tiền Phong đạt giải A với tác phẩm “Sự thật - Hành trình trần ai” gồm 5 bài của tác giả Hoàng Thiên Nga, phản ánh hành trình gần 5 năm của nhà báo Hoàng Thiên Nga với các bài viết trên báo Tiền Phong phản ánh dấu hiệu tham nhũng trong việc đấu thầu thuốc chữa bệnh giai đoạn 2014- 2015 do Sở Y tế Đắk Lắk tổ chức. Kết quả, năm 2020, 10 người liên quan vụ việc bị khởi tố.
Chia sẻ tại lễ trao giải, nhà báo Hoàng Thiên Nga cho biết, thử thách lớn nhất trong suốt hành trình gần 5 năm đấu tranh là có thời điểm bị chính những người xung quanh nghi ngờ. "Có người tin vào đạo đức của tôi, nhưng lại nghi ngờ không đủ sức để theo đuổi vụ việc. Có người đặt câu hỏi về việc đấu tranh làm gì, liệu mọi việc sẽ đi đến đâu...Tôi luôn tin nhiệm vụ của mình là trả lại niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, và tôi phải đấu tranh đến cùng. Cuối cùng, sự cố gắng, nỗ lực đến cùng nào rồi cũng sẽ được đền đáp", nhà báo Hoàng Thiên Nga nói.
Nói về động lực theo đuổi vụ việc kéo dài như vậy, nhà báo Hoàng Thiên Nga cho rằng, nhiệm vụ của nhà báo là phải theo đến cùng sự thật, mang lại sự thật, tìm lại công bằng cho những người yếu thế, đặc biệt là lấy lại công bằng cho những gì nhà nước đã đầu tư cho sức khoẻ của nhân dân.
"Tôi chưa bao giờ nao núng, đầu hàng. Dù cuối cùng còn một mình thì tôi tin mình vẫn là một chiến sĩ", nhà báo Hoàng Thiên Nga nói thêm.