Bảo tàng cấp xã làm được gì?

TP - Theo thống kê, cả nước có khoảng 120 bảo tàng kể cả bảo tàng tỉnh, thành phố và chuyên ngành, nhưng bảo tàng cấp xã hiện mới có…một. Đó là Bảo tàng Khảo cổ học cộng đồng Kim Lan (xã Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội).

> Bảo tàng Điện Biên Phủ: Xây chậm, ít hiện vật
> Tìm “đồi Bucarest” ở Điện Biên

Tri ân Nishimura

Khánh thành tháng 3/2012 với tổng số tiền đầu tư 1,5 tỷ đồng, diện tích khoảng 50 m2: Nhìn từ ngoài, Bảo tàng cộng đồng Kim Lan được thiết kế vòm cong theo dáng lò bầu (một lò nung cổ của người dân xã Kim Lan - PV).

Theo thống kê, bảo tàng có hơn 300 hiện vật như tiền cổ, gốm, đất nung, đồ sành, gốm sứ gia dụng… được chú thích bằng ba ngôn ngữ Việt - Nhật - Anh, sắp đặt khoa học. Hiện vật chủ yếu là sản phẩm gốm sứ do tiên tổ người dân nơi đây làm ra, niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVIII, thể hiện một phần tiến trình lịch sử Việt Nam nói chung và làng nghề gốm sứ Kim Lan nói riêng.

Ông giáo làng về hưu Nguyễn Văn Nhung – một trong 5 thành viên nhóm “Tìm về nguồn cội” (nhóm 5 ông già miệt mài kiếm tìm những mảnh gốm cổ ven bờ sông Hồng) đóng góp không ít hiện vật cho bảo tàng.

Ông Nhung nói, Bảo tàng cộng đồng Kim Lan có được cơ ngơi như hôm nay là nhờ công lao cả làng, sự tích cực của chính quyền địa phương, các nhà khảo cổ học đến từ Viện khảo cổ học - Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, không thể không kể công lao to lớn của nhà Khảo cổ học người Nhật Nishimura – người vừa qua đời cách đâu không lâu vì tai nạn giao thông, đang yên nghỉ tại đất làng Kim Lan.

Ông Nhung chia sẻ: “TS Nishimura đã về đây khai quật cùng với các chuyên gia Việt Nam từ những năm 2000. Nishimura còn giúp chúng tôi phân loại niên đại, nguồn gốc các sản phẩm thu lượm được. Ông cũng giúp vận động các tổ chức, cơ quan để có kinh phí xây dựng bảo tàng này, bố trí, viết chú thích cho hiện vật. Chúng tôi xem Nishimura như người cùng nhà, cùng làng. Bảo tàng này mang đậm dấu ấn Nishimura và chúng tôi sẽ không bao giờ quên công lao của ông”.

Kích thích thế hệ trẻ làm giàu

Nhiều người dân địa phương khi đến bảo tàng nói như bước vào ngôi nhà cổ tích. Bảo tàng như là kho báu của người dân địa phương bởi khi đứng trước các hiện vật, mỗi người đều có thể tìm thấy câu chuyện kể về nguồn gốc của làng, từ sự cư trú đầu tiên đến sự hưng thịnh hôm nay. Ông Nguyễn Lễ - nguyên Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy – người con xã Kim Lan nói: “Bảo tàng như là cuốn sử làng xưa và nay chưa nơi nào có”.

“Bảo tàng cấp xã đầu tiên trên đất nước Việt Nam này mang ý nghĩ rất quan trọng. Nó ghi lại dấu ấn cha ông, nhắc nhở người dân tự hào với một làng nghề, trong đó công sức cha ông để lại qua những sản phẩm gốm sứ. Đây sẽ là nơi có giá trị lịch sử và khảo cổ cho các nhà nghiên cứu. Giúp thế hệ sau hiểu cội nguồn, xuất phát điểm của gốm sứ của Việt Nam nói chung cũng như làng Kim Lan nói riêng” - ông Lễ nói.

Với ông Nguyễn Văn Nhung thì những mảnh gốm sứ tưởng như không có giá trị chính là những mảnh hồn làng. Ông hồ hởi: “Chúng tôi tin tưởng rằng, qua Bảo tàng cộng đồng Kim Lan, thế hệ trẻ xã Kim Lan sẽ biết đến và phát huy tác dụng của bảo tàng. Ngay từ thế kỷ thứ XIII, XIV, Kim Lan đã là nơi sản xuất gốm sứ hàng đầu nước Việt với kỹ thuật điêu luyện, người dân thì giàu có. Cha ông thời điểm ấy đã có thể làm giàu được, vậy chúng ta trình độ cao hơn, sao lại không? Bảo tàng Kim Lan sẽ là động lực thúc đẩy thế hệ trẻ địa phương làm giàu cho quê hương”.

Theo Báo giấy