“Số báo của những người sống sót” là tên của ấn phẩm ra ngày 14/1, với bức họa nhà tiên tri Mohammed đội khăn trắng, cầm khẩu hiệu “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie), kèm theo dòng chữ: “All is forgiven” (Tất cả được tha thứ). Đây là số báo đầu tiên kể từ khi hai tay súng Hồi giáo cực đoan xông vào tòa soạn hôm 7/1, bắn chết 12 người, đồng thời tuyên bố lý do là trả thù, vì những số báo trước đây của Charlie Hebdo đăng biếm họa về Mohammed.
Charlie Hebdo thông báo in 3 triệu bản trong số mới nhất, trong khi lượng phát hành trước đó chỉ là 60.000. Charlie Hebdo đã trở thành biểu tượng quốc tế của tự do ngôn luận sau vụ thảm sát 7/1 và vụ tấn công 2 ngày sau đó vào một siêu thị Do Thái. Trang bìa của số báo tuần này đã được xuất bản trước trên truyền thông Pháp. Ngoài báo chí Pháp, báo Mỹ Washington Post, báo Đức Frankfurter Allgemeine, báo Ý Corriere della Sera và báo Anh Guardian đã đăng tải hình vẽ này.
Chính quyền Pháp đang tranh luận liệu các cơ quan an ninh nước này có cần được trao quyền lớn hơn để chống lại chủ nghĩa khủng bố nổi lên từ trong nước và những tay súng thánh chiến trở về từ Syria. Tuy nhiên, báo Pháp Le Monde vừa có bài cảnh báo “sự cám dỗ” từ việc áp dụng một đạo luật tương tự Đạo luật Yêu nước của Mỹ, nhằm cho phép các cơ quan an ninh giám sát công dân.
Phát biểu trên đài phát thanh Pháp hôm 11/1, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nói rằng, ông muốn thấy hệ thống nghe lén điện thoại “được nâng cấp”. Ông Valls cho biết, cơ quan an ninh Pháp phát hiện 1.400 người Pháp đã rời sang Syria, Iraq để tham gia thánh chiến, hoặc có ý định làm như vậy. Có 70 công dân Pháp đã chết khi tham gia chiến trận ở hai nước này.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết, chính phủ nước này đã áp dụng một hệ thống “vững mạnh và kiên cố” để bảo vệ cộng đồng người Do Thái tại Pháp, với số lượng lớn nhất ở châu Âu.
Cộng đồng người Hồi giáo cũng trở thành mục tiêu bị tấn công. Lãnh đạo các cộng đồng người Hồi giáo thông báo, hơn 50 vụ việc đã xảy sau cuộc thảm sát ở tòa soạn Charlie Hebdo, trong đó có một vụ cố ý gây hỏa hoạn tại một đền thờ ở Poitiers, thủ phủ của tỉnh Vienne, hôm Chủ nhật.
Tại nhiều thành phố của Đức, khoảng 100.000 người hôm 12/1 xuống đường thể hiện ủng hộ các giá trị đa văn hóa của đất nước và chống lại PEGIDA - phong trào bài Hồi giáo khuyến khích tư tưởng thù địch với những người nhập cư trên khắp châu Âu. Trong khi đó, 25.000 người tham gia cuộc tuần hành của PEGIDA tại thành phố miền đông Dresen, cho rằng quan điểm của họ được chứng minh trong các cuộc tấn công ở Paris.
Theo kế hoạch, ngày 13/1 tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng ngoại trưởng và các quan chức hàng đầu chính phủ Đức tham gia một cuộc tuần hành khác để ủng hộ nước Đức cởi mở và bao dung. “Nước Đức mong muốn những người Hồi giáo và thành viên của các tôn giáo khác cùng tồn tại hòa bình”, bà Merkel phát biểu.
Al-Qaeda lại dọa Pháp
Chỉ vài ngày sau các vụ tấn công đẫm máu tại Paris, trên các trang web thánh chiến, AQIM, chi nhánh lực lượng al-Qaeda ở Bắc Phi, lại đưa ra cảnh cáo mới đối với Pháp. “Pháp phải trả giá cho bạo lực gây ra đối với các nước Hồi giáo và việc báng bổ thánh thần”, AQIM cảnh cáo.
“Chừng nào lính Pháp còn chiếm đóng ở các nước như Mali, Trung Phi, ném bom xuống những người dân của chúng ta ở Syria và Iraq, chừng nào báo chí què quặt tiếp tục sỉ nhục Nhà tiên tri (Mohammed) của chúng ta, Pháp sẽ còn phải đối diện điều tồi tệ nhất và hơn thế nữa”, thông báo của AQIM viết.
Trong khi Pháp đang lo đối phó làn sóng khủng bố mới, lo lắng về các vụ tấn công trong tương lai đã lan sang Mỹ. Bộ An ninh Nội địa Mỹ đang tăng cường biện pháp bảo đảm an ninh tại các trụ sở chính quyền trên khắp cả nước. Trong một thông báo, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson cho biết, Cơ quan An ninh vận tải đang tăng cường kiểm tra ngẫu nhiên hành khách và hành lý tại các sân bay.
Tang lễ cho 7 người bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công tuần trước ở Paris được cử hành hôm qua. Thi thể của 4 người đàn ông thiệt mạng trong vụ tấn công ở siêu thị Do Thái được đưa về Israel từ sáng sớm qua và được an táng cùng ngày. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng các quan chức cấp cao và thành viên của cộng đồng người nói tiếng Pháp tại Israel đã tham gia lễ tang. Trong lễ tang tại trụ sở cảnh sát ở Paris, Tổng thống Pháp Francois Hollande vinh danh 3 cảnh sát bị bắn chết.