Bạo lực học đường lan rộng: Che giấu vì bệnh thành tích?

TP - Chỉ trong tháng 3 vừa qua, liên tiếp các vụ việc xâm hại trẻ em bị phát hiện, tố cáo, đặc biệt nhiều vụ việc diễn ra trong trường học - nơi đáng ra là an toàn nhất, bảo vệ các em nhiều nhất. Tình trạng này, được chỉ ra có phần tới từ bệnh thành tích trong giáo dục.
Học sinh bị đánh hội đồng rồi tung lên mạng Ảnh: st

Thích xử lý nội bộ

Có thể dẫn ra một số vụ việc điển hình, như: Vụ nhóm bạn lớp 9 đánh, lột đồ nữ cùng lớp ngay tại trường và quay video đưa lên mạng xã hội, diễn ra ở Trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên). Hay vụ việc em N.T.B.P. (16 tuổi, lớp 10 trường THPT Nguyễn Hữu Thận, Triệu Phong, Quảng Trị) bị nhóm 6 đối tượng nam hiếp dâm tập thể; trong đó có 2 đối tượng nam học cùng trường và 3 đối tượng học trường cấp 3 cùng huyện. 

Trước đó là vụ việc giáo viên trường THPT chuyên Thái Bình bị tố nhắn tin gạ tình nữ sinh lớp 10; hay vụ việc giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, trường Tiểu học Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) bị tố sờ đùi, mông các em học sinh ngay tại lớp... 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: Không chỉ ở Việt Nam, các nước phát triển tình trạng này cũng diễn ra. Đặc biệt, thời gian tới các vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt trong trường học sẽ còn “lộ sáng” nhiều hơn nữa. Điều này do các em học sinh và người thân nắm rõ quy định, người tố cáo tin cậy hơn vào hệ thống trợ giúp pháp lý, các thông tin họ cung cấp được ghi nhận, xử lý rốt ráo. Ngoài ra, các em cũng chịu tác động của mạng xã hội và truyền thông, khi các chuẩn mực đạo đức xã hội lệch lạc lại được cổ xúy, tung hô như trường hợp nhóm Khá bảnh, hay Lệ Rơi...

Theo ông Nam, đáng lo ngại hơn là bệnh thành tích ở trường học. Vị này dẫn ví dụ việc xảy ra ở Hưng Yên, khi nạn nhân đã bị các bạn cùng lớp hành hung 1-2 lần trước đó và nhà trường đều biết. Tuy nhiên, thay vì tham vấn cơ quan chuyên môn ngoài trường học để có biện pháp để xử lý sớm, hiệu quả, nhà trường lại không làm vậy. “Do bệnh thành tích, nên khi có vụ việc xâm hại trẻ em, giáo viên và nhà trường không muốn lộ ra bên ngoài, chỉ muốn xử lý nội bộ. Điều đó tất yếu sẽ xảy ra hậu quả đáng tiếc, như các vụ việc vừa qua. Việc nhà trường ém thông tin là vi phạm pháp luật”, ông Nam nói.

Còn với vụ việc em học sinh lớp 10 bị nhóm bạn học hiếp dâm tập thể xảy ra ở Quảng Trị, lãnh đạo Cục Trẻ em cho hay, hiện pháp luật về trẻ em đang có khoảng trống với lứa tuổi từ trên 16 tới dưới 18 tuổi. Theo đó, Luật Trẻ em chỉ quy định áp dụng với các em dưới 16 tuổi. Trong khi, luật Tố tụng Hình sự chỉ phân biệt đối tượng thành niên (trên 18 tuổi) và chưa thành niên (dưới 18 tuổi). Điều này dẫn tới những khó khăn khi áp dụng pháp luật về bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân.

“Học sinh bị xâm hại ở Quảng Trị đã trên 16 tuổi, các đối tượng gây ra cũng đa số trên 16 và dưới 18 tuổi. Nên việc địa phương cung cấp các biện pháp hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho cả nạn nhân và đối tượng gây án đều gặp vướng. Vì khi hỗ trợ sẽ sử dụng ngân sách địa phương, trong khi chi ngân sách phải đúng đối tượng, nếu không là chi sai”, ông Nam cho biết. Hiện một số tổ chức quốc tế cũng kiến nghị Việt Nam sửa đổi khoảng trống pháp luật này.

Xử lý nghiêm người đứng đầu

Về trách nhiệm và sự vào cuộc khi xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, hiện một số địa phương đã quan tâm và vào cuộc quyết liệt hơn. Tuy vậy, các hoạt động vẫn chủ yếu là xử lý hậu quả khi vụ việc đã xảy ra, còn ngăn chặn, phát hiện, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em chưa được chú trọng. Theo ông Nam, cơ quan này đã làm việc với một số đơn vị của Bộ GD&ĐT để triển khai một số giải pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em trong trường học.

“Hiện các quy định pháp luật đều rất rõ để xử lý trách nhiệm người đứng đầu, kể cả các cấp chính quyền, lẫn lãnh đạo các trường học. Nếu nhà trường cố tình che giấu, như vụ việc ở Hưng Yên, dẫn tới các tổn hại nhiều hơn với các em học sinh thì ban giám hiệu trường phải bị xử lý trách nhiệm. Chúng tôi đề nghị Bộ GD&ĐT, tới các sở, phòng GD&ĐT địa phương cần có biện pháp thích hợp với người đứng đầu các trường học che giấu các vụ việc xâm hại trẻ em”, ông Nam cho hay, và cam kết, Bộ LĐ-TB&XH sẽ xử lý nghiêm với cán bộ thuộc ngành mình được giao trách nhiệm nhưng thờ ơ, vô cảm với các vụ việc xâm hại trẻ em.

Lãnh đạo Cục Trẻ em cũng bày tỏ hy vọng mọi người dân, kể cả trẻ em, khi phát hiện các vụ việc về xâm hại trẻ em có thể gọi điện tới đường dây nóng bảo vệ trẻ em số 111. “Tôi lấy làm tiếc với vụ việc như ở Hưng Yên, nếu các em, phụ huynh, và nhà trường gọi tới đường dây 111, đã có thể được tư vấn cách xử lý thích hợp. Khi đó, sự việc được ngăn chặn sớm hơn, hậu quả sẽ không tới mức nghiêm trọng như vậy”, ông Nam nói thêm.

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2018, cả nước phát hiện 1.547 vụ xâm hại trẻ em, với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em (giảm 2,8% so với năm 2017). Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Hà Nội xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em nhất (88 vụ), tiếp đến là TPHCM (77 vụ), Đắk Lắk (52 vụ), Tây Ninh (51 vụ)…