Trong nghiên cứu với 5.913 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 ở 142 trường học khắp nước Mỹ, các nhà nghiên cứu Đại học Ohio State xem xét phản ứng của các em khi chứng kiến hành vi bạo lực.
Kết quả cho thấy những học sinh trong nghiên cứu này có nguy cơ tăng 48% sẽ tham gia vào một vụ đánh nhau nghiêm trọng, tăng 183% nguy cơ đánh ai đó nặng nề và 140% nguy cơ dùng vũ khí với ai đó nếu một người bạn của các em từng thực hiện hành vi tương tự như vậy.
Theo nghiên cứu này, bạo lực không chỉ dừng lại ở việc lây nhiễm đến bạn của người có hành vi bạo lực, mà nó lây nhiễm ở 4 cấp độ - từ một người nào đó tới một người bạn, tới người bạn của người bạn và tới hai người bạn nữa trong vòng quen biết đó.
Mặc dù mức độ lây nhiễm bạo lực giảm dần theo cấp độ, thì điều này vẫn rất dễ nhận thấy, các nhà nghiên cứu cảnh báo.
Phó giáo sư Robert Bond ở Trường Đại học Ohio State nhận định: “Nghiên cứu này cho thấy tính lây lan của bạo lực. Những hành vi bạo lực có thể lây lan qua một cộng đồng, qua mạng lưới bạn bè”.
Nghiên cứu này cũng phát hiện thấy bạo lực lan nhanh trên mạng xã hội cũng giống như cách thức mà tính cách và hành vi của chúng ta lây nhiễm lẫn nhau.
Phần lớn trong số những sự lây nhiễm ấy liên quan đến điều mà các nhà khoa học gọi là “tác động nhóm” - những người có sở thích giống nhau, trong đó có cả việc thích dùng bạo lực, thì có xu hướng tụ tập với nhau thành bạn bè.
Phó Giáo sư Bond nhấn mạnh: “Nếu chúng ta có thể ngăn ngừa bạo lực ở một người, điều này sẽ ảnh hưởng đến mạng lưới xã hội của người đó. Như vậy, chúng ta đang thực sự ngăn ngừa bạo lực không chỉ ở người đó, mà cả ở tất cả những người mà người đó có quan hệ xã hội”.