Báo in khác biệt trong thời đại AI

TP - Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, chỉ ra rằng, trong kỷ nguyên thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI) can dự ngày càng nhiều vào sản xuất nội dung. Trong xu thế ấy, báo in muốn tồn tại và phát triển càng đòi hỏi người làm báo vận dụng tư duy sáng tạo, tạo ra sự khác biệt.
Ông Lê Quốc Minh.

Chiến đấu với AI

Không phải tới bây giờ người ta mới bàn câu chuyện “tồn tại hay không tồn tại” của báo in. Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, việc hình thành và trình làng những sản phẩm riêng có, độc đáo là sự đòi hỏi đương nhiên cả đối với báo in và báo điện tử. Đó là cách thức báo chí buộc phải làm để thu hút người dùng.

“Trong thời buổi tin tức tràn ngập như hiện nay, việc chúng ta đưa số lượng tin nhiều mỗi ngày là chưa đủ và thậm chí là chưa chắc có hiệu quả. Có những trang web đã sử dụng AI để sản xuất nội dung. Những tờ báo lớn như NewYork Times, Washington Post một ngày sản xuất khoảng 200-250 tin bài, một số trang web sản xuất khoảng 1.000-1.500 tin bài. Chạy đua về số lượng tin bài không phải giải pháp hiệu quả. Dù một tòa soạn có đăng vài trăm bài, cả làng báo đăng vài vạn bài một ngày cũng không thấm vào đâu so với hàng tỷ thông tin hiện hữu trên Internet mỗi ngày”, ông Minh nhận định.

Phóng viên Việt Nam và quốc tế tác nghiệp tại một sự kiện lớn. Ảnh: Hồng Vĩnh

Báo in giảm sút đã đành, tỉ lệ đọc trực tiếp trên báo điện tử cũng chiếm tỷ lệ rất thấp, cao nhất khoảng 20-25%, bởi đa số người dùng tiếp cận qua các công cụ tìm kiếm (chiếm khoảng 50%), còn lại là qua email, mạng xã hội. Người làm báo còn phải đối diện với thực tế một số công cụ tìm kiếm bắt đầu thử nghiệm với AI. Khi người đọc tìm kiếm một nội dung nhất định, họ sẽ nhận được câu trả lời ngay mà không cần dẫn trực tiếp về tờ báo như trước.

Chỉ hơn chục năm trước, báo in vẫn hiện diện rõ nét trong đời sống. Những sạp báo ở các góc phố, những người bán báo tiếp thị tận cửa ở Việt Nam, các quầy báo in tại nhiều nước là hình ảnh phổ biến và thân thuộc. Nhưng giờ đây việc mua lẻ báo in rất hiếm, không khả thi. Còn đâu những người vì yêu mến một tờ báo mà trở thành độc giả trung thành? Thậm chí, câu chuyện thu phí báo điện tử cũng không dễ dàng, khi độc giả có thể tìm đến nhiều tờ báo khác thay vì chỉ yêu một thương hiệu. Họ có thể bỏ tiền mua một vài tháng, song cũng dễ dàng cắt hợp đồng trong giây lát.

Độc giả trẻ đọc báo Tiền Phong số Tết. Ảnh: Hồng Vĩnh

“Đây là một trong những khó khăn thực tế mà người làm báo đang vấp phải. Chính vì thế, không còn cách nào khác là phải tạo ra sự khác biệt. Báo chí phải sản xuất thông tin, thế nhưng tin bài không phải là thứ duy nhất để giữ chân người dùng nữa. Với hàng trăm tờ báo như vậy, trừ một số người dùng trung thành với những tờ báo nhất định, còn lại tiện đâu người ta đọc đó. Cơ quan báo chí không thể trông cậy vào những người dùng lướt qua như vậy. Chính vì thế, mỗi tòa soạn phải xây dựng được một lực lượng trung thành, tìm mọi cách để tăng trưởng người dùng trung thành. Theo nghiên cứu, khoảng 20% người dùng trung thành mang lại tới 80% lợi ích cho các cơ quan báo chí”, ông Minh nói.

Tư duy sản phẩm độc đáo

Báo chí phải nghĩ ra những thứ khác để giữ chân độc giả trong bối cảnh thách thức bủa vây này. “Tờ New York Times chẳng hạn, họ mua thêm những tờ báo nhỏ hơn để bổ sung những mảng miếng còn thiếu, trong đó có cả trang chuyên về trò chơi. Việc này thu hút những người yêu thích và gắn bó với hình thức giải trí kết hợp với đọc tin tức. Tờ báo thu phí thành công vì bán sản phẩm theo các gói như vậy. Thi thoảng họ phải tạo ra những sản phẩm rất đặc biệt, có thể là báo chí hoặc phi báo chí để giữ chân người đọc”, ông Minh nói.

Ông nhắc lại câu chuyện New York Times làm ra megastory về cơn bão tuyết, chi phí sản xuất cực lớn nhưng lại gây ấn tượng mạnh, đạt giải báo chí quốc tế. Người đọc vì thế lại chờ mong những sản phẩm khác biệt, ấn tượng của báo này. “Có khi lâu lâu mới làm được một sản phẩm độc đáo, nhưng nó lại khiến cho độc giả thấy rằng cơ quan báo chí ấy luôn đi đầu. Người ta lại tìm đến đọc tin, đăng ký theo dõi là vì thế. Vì vậy, những sản phẩm đòi hỏi sự đầu tư cầu kì giúp nâng cao thương hiệu, tạo ra lực lượng người dùng trung thành”, ông Minh nêu.

“Phải tạo ra sự kết nối giữa báo in với báo điện tử, tạo thành hệ sinh thái liên thông với nhau. Không phải cứ để tình trạng người đọc báo in cứ đọc, người đọc điện tử cứ đọc riêng lẻ, thì khó phát huy được sức mạnh tương hỗ. Thậm chí, chúng ta phải nghĩ đến chuyện dùng tờ này để quảng bá cho tờ kia” - Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân

Hồi tháng 7, trong lễ quốc tang cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, báo in Tiền Phong tạo hiệu ứng nhờ số báo đặc biệt về người lãnh đạo hết lòng vì nước vì dân. Số báo đặc biệt làm nên cơn sốt, khiến đông đảo độc giả mọi tầng lớp, lứa tuổi ráo riết sưu tầm để lưu giữ lại khoảnh khắc lịch sử. Đó là một trong những minh chứng cho thấy, báo in vẫn có chỗ đứng nhất định khi hệ thống thông tin, hình ảnh được tập hợp trong một sản phẩm có thể cầm nắm và lưu trữ như hiện vật. “Báo in có những lợi thế nhất định, đó là cảm giác sờ tận tay, ngửi mùi mực in và chưa kể là đáp ứng nhu cầu lưu trữ”, ông Minh nhận xét.

Độc giả cũng không thể quên thành tựu của báo in Nhân Dân khi báo tạo thành cơn sốt nhờ xuất bản ấn phẩm đặc biệt về bức tranh panorama Chiến thắng Điện Biên Phủ, hoặc tương tác dùng báo in để gấp Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Thông qua những sản phẩm đặc biệt, độc giả biết nhiều hơn tới thương hiệu tờ báo và không ít trong số ấy sẽ trở thành bạn đọc thường xuyên, người đọc trung thành tạo ra giá trị bền vững.

Trở lại câu chuyện làm thế nào để báo in song hành trong kỷ nguyên thông minh, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ông Minh cho rằng, các cơ quan báo chí phải tạo ra sự tương tác, kết nối để người xem mạng xã hội phải tìm đến báo điện tử, từ báo điện tử sang đọc báo in và ngược lại.

Sự sáng tạo không ngừng nghỉ thôi thúc những người làm báo tiến về phía trước. Trong bối cảnh công nghệ số, kỷ nguyên thông minh, sự sáng tạo, bứt phá càng đòi hỏi mỗi cá nhân, đơn vị, đặc biệt là người làm báo phải cởi bỏ tư duy cũ kĩ theo lối mòn. Công nghệ chưa hạ gục người làm báo, chỉ có sự trì trệ ngăn cản sự sáng tạo.

Sự thích ứng không chỉ ở cá nhân

Sự chuyển đổi nhận thức, kỹ năng của người làm báo thay đổi mạnh mẽ chỉ trong vài năm gần đây, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Ông Lê Quốc Minh cho rằng, sự thích ứng của từng cá nhân phóng viên, biên tập viên là chưa đủ, ở đây đòi hỏi sự thích ứng của cả tòa soạn để thử nghiệm và ứng dụng những điều mới mẻ.

“Khi tòa soạn dám mua một công cụ mới, những ứng dụng công nghệ phục vụ việc làm báo, khi đó các phóng viên, biên tập viên mới có công cụ để thử nghiệm”, ông Minh nói. Phóng viên phải có nhiều kỹ năng, không chỉ viết bài là xong, là hết trách nhiệm. Họ phải biết cách thức theo dõi tác phẩm, xem câu chuyện diễn biến ra sao để mở rộng, bổ sung. Chính vì thế, công nghệ được ứng dụng giúp tòa soạn đào tạo, để phóng viên, biên tập viên có kỹ năng theo dõi và phân tích xu hướng bạn đọc quan tâm. Xu hướng đang thay đổi chóng mặt, được tính theo giờ, theo phút.

Thế nhưng, đối với những tờ báo có bề dày 71 năm như Tiền Phong, việc đổi mới hay bứt phá sẽ càng khó khăn khi phải mang theo truyền thống và mặt trái là sức ì rất lớn? “Đúng là mọi người thường nghĩ, một bộ máy càng cồng kềnh càng khó thay đổi. Thực tế thì có vẻ là như thế. Bởi vì, dù người lãnh đạo có sự quyết tâm rất cao, nhưng không dễ lan tỏa được hết tinh thần ấy tới từng cá nhân, khi mà bộ máy tổ chức còn cồng kềnh. Tôi từng thấm thía câu chuyện này khi lãnh đạo một tờ báo chỉ vài chục người, chuyển sang chèo lái cơ quan đông gấp 20 lần. Tuy nhiên, thứ logic tưởng là đúng đấy cũng không hẳn như vậy, bởi không phải là không có cách thúc đẩy. Điều quan trọng là mình phải tạo ra sự khác biệt”, ông Minh nói.