Chờ dài cổ
Anh Trịnh Thanh Hải, phụ trách nhà hàng của khách sạn Daewoo Hà Nội đặt mua iPhone trên website của Viettel, nhà cung cấp iPhone 4 độc quyền tại Việt Nam cùng VinaPhone, từ giữa tháng 10. Đến gần cuối tháng này, anh đến một trung tâm khách hàng của Viettel để hỏi và được trả lời tiếp tục chờ.
Nhờ một người bạn làm việc ở đây mua giúp, anh Hải được bật mí phải có quan hệ ở tập đoàn Viettel may chăng mới có thể mua ngay được máy. Không thể chờ đợi được lâu hơn, vị khách hàng “say” iPhone 4 này lại phải nhờ một người bạn làm việc tại VinaPhone và đến khi ấy giấc mơ iPhone 4 của anh mới trở thành hiện thực.
“Ngoài Viettel, tôi còn đến trực tiếp 2 cửa hàng của VinaPhone ở Hà Nội đăng ký mua máy. Tại cửa hàng số 4 Láng Hạ, số đăng ký của tôi là 42. Tại cửa hàng 57 Huỳnh Thúc Kháng, số đăng ký của tôi là 251. Vậy mà cả tháng trời vẫn chẳng thấy hồi âm” - Anh Hải cho hay.
Phải chờ đợi quá lâu, nhiều “tín đồ” của iPhone 4 đã lên các forum (diễn đàn) đề nghị được mua lại quyền mua iPhone 4. Thậm chí, có người còn chấp nhận trả lại khoản tiền đặt cọc hòa mạng cho các nhà phân phối để có được chiếc điện thoại trong mơ của mình. Một khách hàng có nick là topmen@ đã lên một số forum khẩn khoản: “Bác nào được mua hoặc đã mua Iphone 4 từ VinaPhone mà không muốn sử dụng gói thuê bao cam kết thì nhường lại cho em. Em sẽ hoàn trả lại tiền đặt cọc hòa mạng 600k (600.000 đồng) cho các bác”.
Theo ông Phạm Ngọc Tú - Trưởng phòng Kinh doanh VinaPhone, ban đầu, Công ty quy định khách hàng đặt mua iPhone 4 trên website www.vinaphone.com.vn của mình. Tuy nhiên, do lượng khách hàng quá lớn, VinaPhone lại đề nghị khách hàng đến đăng ký trực tiếp tại các cửa hàng của mình để chờ gọi điện thông báo.
Khi nhập iPhone 4 về, Viettel Telecom đã mở các hệ thống đăng ký mua hàng trên website cũng như qua kênh bán hàng trực tiếp. Tuy nhiên, trước con số hàng chục ngàn người đăng ký xếp hàng mua iPhone 4, Viettel đã dừng việc nhận đăng ký mua hàng, mở chương trình bốc thăm may mắn, chọn ra khách hàng có quyền mua iPhone 4. Chính điều này đã tạo ra các giao dịch “quyền mua iPhone 4” tại nhiều forum với mức giá lên đến vài triệu đồng.
Trong lần bán ra 240 chiếc iPhone 4 chia đều cho 8 điểm ở cả 3 miền, sáng 14-11, tại cửa hàng 55B Phan Đăng Lưu (TPHCM), Viettel đã phải dùng đến hình thức đấu giá thay vì bốc thăm, do khách mua quá đông và đi theo nhóm. Tại các cửa hàng của VinaPhone, trong ngày đầu tiên bán iPhone hôm 30-9, nhiều khách hàng đã phải xếp hàng từ lúc trời chưa sáng để bốc thăm mua máy.
Không lường được nhu cầu
Theo đánh giá của Viettel, cơn sốt iPhone 4 xuất phát từ nhu cầu mua sản phẩm này đang ngày một tăng cao, trong khi khả năng đáp ứng của nhà sản xuất tương đối nhỏ giọt. Ghi nhận từ số lượng đặt hàng qua mạng, vẫn theo nghiên cứu của Viettel, nhu cầu iPhone tại thị trường Việt Nam khoảng 150.000 máy/năm, tương đương với 12.500 máy/tháng. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu tiên ra mắt iPhone 4, thị trường cần tới 20.000 máy/tháng.
"Nhu cầu iPhone 4 còn rất cao. Nếu Apple cứ cung cấp số lượng ít như hiện nay, chưa biết được đến bao giờ mới hết cơn sốt iPhone 4" - Ông Phạm Ngọc Tú.
Trong khi đó, với hai tháng đầu tiên, tháng 9 và tháng 10 ra mắt tại Việt Nam, Apple chỉ cung cấp 2.000 máy iPhone 4 mỗi tháng, dẫn đến cơn sốt iPhone 4 này. Lý do khan hiếm được cho là Apple đã không lường trước được nhu cầu của khách hàng đạt mức cao đến như vậy.
Thậm chí ngay cả tại Singapore, đã từng có thời điểm khách hàng phải đặt trước 2 tuần mới có thể được giao hàng. Ở Hồng Kông, việc đăng ký mua hàng qua mạng cũng đã buộc phải tạm ngừng do khả năng đáp ứng thấp hơn rất nhiều so với lượng khách hàng đăng ký.
Theo một đại diện Viettel Telecom, từ tháng 9 đến nay, nhà phân phối này đã nhập hơn 3.300 máy iPhone 4 và tiếp tục nâng lượng hàng nhập về để đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời gian tiếp theo. Tất cả số hàng nhập về đều nhanh chóng được bán hết qua hệ thống siêu thị và kênh bán hàng trực tiếp của Viettel tại tất cả các tỉnh thành. “Hiện nay, Viettel đang tiếp tục hối thúc Apple cung cấp thêm hàng cho thị trường Việt Nam và hy vọng có thể mang về được 10.000 máy cho 2 tháng cuối năm 2010” - Đại diện Viettel cho hay.
Chiêu của Apple?
Khi được hỏi bao giờ cơn sốt iPhone 4 hạ nhiệt, các chuyên gia đều cho rằng, điều này rất khó dự đoán vì hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách kinh doanh của Apple, nhà sản xuất iPhone 4. Theo ông Phạm Ngọc Tú - Trưởng phòng Kinh doanh VinaPhone, hiện mỗi tuần nhà phân phối này chỉ được nhập từ 400 - 450 máy iPhone 4, trong khi nhu cầu khách hàng cao gấp hàng chục lần.
“Chúng tôi không được thông báo thời điểm cụ thể hàng sẽ về. Công ty đặt số lượng lớn nhưng số lượng máy thực tế đưa về ít hơn nhiều” - Ông Tú cho hay - “Nhu cầu iPhone 4 còn rất cao. Nếu Apple cứ cung cấp số lượng ít như hiện nay, chưa biết được đến bao giờ mới hết cơn sốt iPhone 4”.
Dù Apple đưa ra lý do không lường trước được nhu cầu của khách hàng, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân sâu xa của cơn sốt iPhone 4 nằm ở chính sách “nhỏ giọt” của hãng này. Cách bán hàng này của Apple được nhận định là chiến thuật không giống ai. Còn nhớ, chiến thuật này đã gây nên cơn sốt iPhone khi Apple lần đầu tiên tung ra thị trường sản phẩm này vào cuối năm 2007.
Ban đầu, Apple bán iPhone tại Mỹ, sau đó hãng bắt đầu bán ở từng nước châu Âu. Khi iPhone chỉ mới có ở Mỹ, Apple đã có quy định không bán iPhone bằng tiền mặt, mà khách hàng phải thanh toán bằng thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, Apple chỉ bán nhiều nhất 2 chiếc iPhone cho mỗi khách hàng. Theo nhận xét của các chuyên gia, sự hạn chế này đã ít nhiều kích thích tâm lý khách hàng, gây ra những cơn sốt các sản phẩm của Apple.
Viettel hôm 26-11 đã đồng loạt tăng giá iPhone 4 và iPhone 3Gs từ 300.000 đến 500.000 đồng. Cụ thể, iPhone 4 loại 16 GB tăng từ 13,3 triệu đồng lên 13,6 triệu đồng; iPhone 4 loại 32 GB tăng từ 15,5 triệu đồng lên 16 triệu đồng.
Trong khi đó, VinaPhone cũng điều chỉnh giá iPhone 4 loại 16 GB từ 13.099.000 đồng lên 13.699.000 đồng; iPhone 4 loại 32 GB tăng từ 15.299.000 đồng lên 16.099.000 đồng. Theo lý giải của các nhà phân phối, nguyên nhân của việc tăng giá là do ảnh hưởng của sự biến động tỷ giá USD trong thời gian qua.